82 trường hợp nghi ngờ nhiễm độc đều có nồng độ thủy ngân máu trong ngưỡng cho phép
Theo đại diện của Trung tâm chống độc bệnh viện Bạch Mai, do nghi ngờ nhiễm độc thủy ngân phát tán từ vụ cháy tại nhà máy Rạng Đông, từ ngày 30/8 đến nay đã có gần 100 người đến khám tại viện.
Cụ thể, đại diện của Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cho biết kể từ sau vụ cháy nhà máy Rạng Đông xảy ra, tới nay đã có khoảng 100 trường hợp đến Trung tâm thăm khám do nghi ngờ nhiễm độc thủy ngân. Các bệnh nhân đến khám tại viện đã được làm xét nghiệm thủy ngân máu và một số người đã được lấy nước tiểu 24 giờ để xét nghiệm thủy ngân, kèm theo 1 số xét nghiệm khác như: Công thức máu, urea, creatinin, men gan, bilirubin, điện tim, một số được chụp X-quang phổi và khí máu động mạch…
Riêng các mẫu xét nghiệm thủy ngân máu được gửi đến Viện Hóa học, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam. Kết quả cho thấy đã có 82 trường hợp cho kết quả có nồng độ thủy ngân máu thấp dưới 10 mcg/L (mức tối đa cho phép). Các trường hợp khác đang đợi kết quả.
Lãnh đạo Bệnh viện Bạch Mai cũng khẳng định sẽ tiếp tục duy trì kết nối với các cơ sở y tế để tư vấn chuyên môn, hội chẩn, phối hợp trong việc đánh giá, chẩn đoán và điều trị các trường hợp theo dõi, nghi ngờ ngộ độc phức tạp sau vụ cháy Công ty Rạng Đông.
Đánh giá về nguy cơ nhiễm độc thủy ngân, Ths. BS. Nguyễn Trung Nguyên, phụ trách Trung tâm chống độc BV Bạch Mai cho biết, nguy cơ nhiễm độc phụ thuộc nhiều yếu tố như nồng độ khí (nếu cháy nhiều, khói nhiều, chứa nhiều hóa chất); thời gian tiếp xúc (ở càng lâu càng có nguy cơ cao); ngược hoặc xuôi chiều gió, thuận chiều mà xa vẫn nguy cơ; tình trạng hoạt động của nạn nhân, càng trẻ càng hoạt động mạnh thì hít các chất độc nhiều hơn…
Hiện trường khu vực xảy ra hảo hoanh tại nhà máy Rạng Đông |
"Không thể kết luận tất cả đều có nhiễm độc thủy ngân, tuy nhiên nguy cơ là có. Những người có nguy cơ cao nên đi kiểm tra, cụ thể là trực tiếp có mặt ở vụ cháy, hít hơi nóng, khói trong vài giờ đồng hồ. Những người thấy bất thường như khó thở, ho nhiều, tức ngực, nôn mửa, tiêu chảy, choáng váng, tê chân tay… nên đến các cơ sở y tế để chỉ định làm các thăm dò và xét nghiệm, chụp xquang phổi, công thức máu, chức năng thận, men gan, nồng độ thủy ngân máu, thủy ngân trong nước tiểu thu gom trong 24 giờ", ông Nguyên nói.
Cũng theo ông Nguyên, những người ở xa không hít hơi nóng, hay khói thì nguy cơ thấp hơn nên không nhất thiết tất cả phải đi khám, làm xét nghiệm gây tốn kém, không cần thiết. Việc lấy máu và nước tiểu để xét nghiệm thủy ngân, không nên dồn đến Trung tâm chống độc Bạch Mai mà có thể được làm ở một số phòng xét nghiệm - Viện Hóa học thuộc Viện Hàn lâm và Khoa học Công nghệ Việt Nam. Các bác sỹ tại các cơ sở đó khi cần thiết sẽ trao đổi hoặc hội chẩn với Trung tâm chống độc Bệnh viện Bạch Mai để làm thêm các kiểm tra, chẩn đoán và điều trị cho bệnh nhân khi cần thiết.
Chiều ngày 4/9, Thứ trưởng Tài nguyên Môi trường Võ Tuấn Nhân cho biết Công ty bóng đèn phích nước Rạng Đông báo cáo nguồn thủy ngân có thể phát tán ra môi trường sau vụ cháy là hơn 15 kg, nhưng theo tính toán của các nhà khoa học thì khối lượng khoảng trên 27 kg.
Phố Hạ Đình ngay sát bên cạnh khu vực xảy ra đám cháy |
Ở một diễn biến khác, chiều 5/9, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ và khuyến cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường, ông Nguyễn Đức Chung - Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đã chủ trì cuộc họp cùng lãnh đạo thành phố về những vấn đề liên quan đến vụ cháy Công ty bóng đèn phích nước Rạng Đông (quận Thanh Xuân).
Cùng với đó, UBND thành phố Hà Nội đã có văn bản gửi các cơ quan Bộ, ban ngành về việc tiếp tục theo dõi ảnh hưởng ô nhiễm môi trường và các biện pháp khắc phục sau vụ cháy kho Rạng Đông.
Theo văn bản này, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đã giao Giám đốc Sở Y tế chủ trì, Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận Thanh Xuân phối hợp để bố trí bác sỹ, y tá trực 24/24 tại phường Hạ Đình và Thanh Xuân Trung; tổ chức khám sức khỏe miễn phí tại khu vực bán kính 500m kể từ hiện trường vụ cháy theo yêu cầu của người dân. Bên cạnh đó, các đơn vị này cũng cần tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn cho người dân tổ chức các biện pháp phòng ngừa, giảm thiểu các tác động ảnh hưởng đến sức khỏe và môi trường sống.
Ngoài ra, cũng trong chiều 5/9, UBND thành phố Hà Nội đã có văn bản hỏa tốc gửi Giáo sư, Viện sỹ Châu Văn Minh - Chủ tịch Viện Hàn lâm khoa học và Công nghệ Việt Nam đề nghị đơn vị này chủ trì việc giám định độc lập mức độ ô nhiễm sau vụ cháy Rạng Đông.
UBND thành phố Hà Nội đề nghị Giáo sư Châu Văn Minh giao nhiệm vụ cho các cơ quan chuyên môn của Viện và mời các chuyên gia và ngoài nước đã có kinh nghiệm xử lý các sự cố tương tự giúp Công an thành phố thực hiện việc giám định để xác định mức độ ô nhiễm môi trường.
Trần Giang (T/h