Thứ bảy, 23/11/2024 09:20 (GMT+7)
Chủ nhật, 09/06/2019 12:05 (GMT+7)

5 nguyên tắc "vàng" của WHO về an toàn thực phẩm

Theo dõi KTMT trên

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo 5 nguyên tắc "vàng" về an toàn thực phẩm.

Năm nguyên tắc "vàng" của WHO về an toàn thực phẩm, gồm: Rửa tay sạch và giữ sạch bề mặt dụng cụ chế biến thức ăn; không để chung thức ăn chín và sống; nấu chín kỹ thức ăn; bảo quản thức ăn ở nhiệt độ phù hợp; sử dụng nguồn nước sạch và nguyên liệu an toàn.

Theo WHO, an toàn thực phẩm là vấn đề chung của tất cả mọi người. Đó là trách nhiệm chung của mọi cá nhân, tổ chức có liên quan trong suốt quá trình sản xuất, kinh doanh và tiêu thụ thực phẩm - từ khâu quản lý, sản xuất, vận chuyển, bảo quản, chế biến đến khâu phân phối và tiêu thụ.

5 nguyên tắc "vàng" của WHO về an toàn thực phẩm - Ảnh 1
Đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm giúp bảo vệ sức khỏe con người - Ảnh minh họa

Theo các chuyên gia y tế, bảo đảm an toàn thực phẩm tại Việt Nam là một thách thức do nhịp độ phát triển kinh tế nhanh của đất nước. Những căn bệnh do thực phẩm không an toàn gây ra đã cản trở sự phát triển kinh tế - xã hội, đặt gánh nặng lên hệ thống chăm sóc sức khỏe và gây tổn hại cho nền kinh tế, lĩnh vực du lịch và thương mại quốc gia. Thực phẩm không an toàn có chứa các vi khuẩn, virus, ký sinh trùng hoặc hóa chất có hại, là nguyên nhân của hơn 200 bệnh – từ tiêu chảy đến các bệnh mãn tính như ung thư.

Để lựa chọn thực phẩm an toàn, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã có hướng dẫn cách lựa chọn một số loại thực phẩm an toàn như sau:

Chọn thịt lợn tươi an toàn:

TT

Chỉ số

Thịt tươi

Thịt kém tươi và ôi

1

Trạng thái bên ngoài

+ Màng ngoài khô, màu sắc đỏ tươi hoặc đỏ sẫm, óng ả.

+ Mỡ có màu sắc, độ rắn, mùi vị bình thường.

+ Mặt khớp: láng và trong

+ Dịch hoạt: Trong

+ Màu hơi xanh nhạt hoặc hơi thâm, thậm chí còn bị đen, không bóng.

+ Màng ngoài nhớt nhiều hay bắt đầu nhớt.

+ Mỡ màu tối, mùi vị ôi.

+ Mặt khớp có nhiều nhớt.

+ Dịch hoạt đục.

2

Vết cắt

+ Màu sắc bình thường, sáng, khô.

+ Màu sắc tối, hơi ướt

3

Độ rắn và đàn hồi

+ Rắn chắc, đàn hồi cao, lấy ngón tay ấn vào thịt, không để lại vết lõm khi bỏ ngón tay ra và không bị dính

+ Thịt ôi: Vết lõm còn lâu, không trở lại bình thường ngay được, dính nhiều.

+ Thịt kém tươi: Khi ấn ngón tay, để lại vết lõm, sau đó trở về bình thường, dính.

4

Tuỷ

+ Bám chặt vào thành ống tuỷ, màu trong, đàn hồi.

+ Tuỷ róc ra khỏi ống tuỷ, mầu tối hoặc nâu, mùi hôi.

5

Nước canh (nước luộc)

+ Nước canh trong, mùi vị thơm ngon, trên mặt có nổi một lớp mỡ.

+ Thịt kém tươi: Nước canh đục, mùi vị hôi, trên mặt lớp mỡ, tách thành những vết nhỏ.

+ Thịt ôi: nước canh đục, vẩn, mùi vị hôi, hầu như không còn vết mỡ nữa.

5 nguyên tắc "vàng" của WHO về an toàn thực phẩm - Ảnh 2
Thịt lợn tươi thường có màu sắc đỏ tươi hoặc đỏ sẫm - Ảnh minh họa

Lưu ý một số thịt lợn bệnh như:

Lợn gạo: Do ấu trùng hoặc kén giun sán

- Giun xoắn: Kén giun xoắn nằm trong thớ thịt, hình quả trám, chiều dài của kén nằm song song thớ thịt. Có khi thấy kén đã vôi hoá, những đốm trắng như đầu ghim nằm trong thịt.

- Sán: Ấu trùng thường nằm trong lưỡi, cơ nhai, cơ cổ, cơ lưng, cơ sườn, cơ tim. Màu trắng, hình bầu dục, kén màu đục to bằng hạt đậu tương. Trong kén có dịch, trên thành nang kén có một hạt cứng, rắn, màu trắng, to bằng hạt vừng.

Lợn bị thương hàn: Bề mặt da có những nốt bầm hoặc lấm tấm xuất huyết, thịt nhão, tai lợn bị tím.

Lợn bị tả: Nốt xuất huyết nằm dưới da hoặc trên vành tai, lấm tấm như nốt muỗi đốt.

Lợn bị tụ huyết trùng: Thịt có những mảng bầm, tụ máu.

Lợn bị viêm gan: Thịt có mầu vàng.

Lợn đóng dấu: Bề mặt da có những nốt tròn đỏ, tía hoặc son, có khi màu tím bầm, kích thước khác nhau, như hình đóng dấu.

Nhận biết rau quả tươi

Hình dáng bên ngoài rau, quả còn nguyên vẹn, lành lặn, không dập nát trầy xước, thâm nhũn ở núm cuống. Cảnh giác loại quá "mập", "phổng phao". Màu sắc: có màu sắc tự nhiên của rau quả, không úa, héo. Chú ý các loại quả xanh hoặc có màu sắc bất thường. Chú ý cảm giác "nhẹ bỗng" của một số rau xanh được phun quá nhiều chất kích thích sinh trưởng và hóa chất bảo vệ thực vật.

5 nguyên tắc "vàng" của WHO về an toàn thực phẩm - Ảnh 3
Rau, quả tươi có màu sắc tự nhiên, không héo úa - Ảnh minh họa

Rau quả không dính chất lạ: Không mua loại rau, quả còn dính hóa chất bảo vệ thực vật trên lá, cuống lá, núm quả, cuống quả… có các vết lấm tấm hoặc vết trắng, rau không có mùi lạ. Nếu lượng hóa chất bảo vệ thực vật tồn dư nhiều, ngửi thấy mùi hắc, mùi hóa chất bảo vệ thực vật.

Với quả có thể lưu ý thêm một số loại được ngâm tẩm chất bảo quản độc hại, nhìn ngoài vẫn có màu tươi đẹp, nhưng núm cuống hoặc thâm nhũn hoặc còn dính hóa chất bảo vệ thực vật, khi bổ ra hoặc khi bóc vỏ thấy biến màu giữa lớp vỏ và thịt quả.

Cách chọn trứng tươi

Soi trứng (nắm quả trứng trong bàn tay, để hở 2 đầu trứng. Mắt nhìn vào 1 phía, phía đối diện soi trên một nguồn sáng (mặt trời, ánh điện). Trứng tươi màu hồng trong suốt với một chấm hồng ở giữa.

Quan sát trứng tươi có vỏ trắng sạch nguyên lành; trứng cũ vỏ nguyên lành nhưng màu trắng xám; trứng cũ vỏ trắng thâm đục sần sùi lăn tăn, có thể nứt. Khi thả vào dung dịch nước muối 10%, trứng tươi chìm xuống đáy, nằm ngang, trứng cũ nổi lơ lửng trong nước còn trứng hỏng thối sẽ nổi trên mặt nước.

Cách chọn cá tươi

5 nguyên tắc "vàng" của WHO về an toàn thực phẩm - Ảnh 4
Nên chọn cá tươi ngon, an toàn, tránh bị ươn - Ảnh minh họa

Thân cá cứng, để trên bàn tay không thõng xuống, mắt nhãn cầu lồi, trong suốt, giác mạc đàn hồi; miệng ngậm cứng; mang cá không có niêm dịch hoặc có ít, màu trong, không có mùi; không có nhớt và không có mùi hôi, vẩy tươi óng ánh, dính chặt, bụng bình thường, không phồng.

Cá ôi có dấu hiệu bắt đầu phân giải, để trên bàn tay quằn xuống dễ dàng, mang dán không chặt vào hoa khế; màu bắt đầu xám, có nhớt và mùi khó chịu.

Diệu Nguyên (T/h)

Bạn đang đọc bài viết 5 nguyên tắc "vàng" của WHO về an toàn thực phẩm. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới