5 huyện vùng ven TP.HCM cần cải thiện gì để nâng cấp lên thành phố?
Tại Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ TP.HCM lần thứ 31, Chủ tịch UBND TP.HCM - ông Phan Văn Mãi cho biết, từ nay đến năm 2030, 5 huyện vùng ven sẽ không lên thành phố do còn nhiều tiêu chí về đô thị chưa đạt.
Đến năm 2030, 5 huyện ngoại thành sẽ không lên thành phố
Trước đó, TP.HCM đã đưa ra Đề án đầu tư - xây dựng các huyện thành phố (hoặc thành phố thuộc TP.HCM) giai đoạn 2021 - 2030. Theo báo cáo này, các huyện Cần Giờ, Củ Chi, Bình Chánh, Hóc Môn và Nhà Bè có vị trí cửa ngõ của thành phố, kết nối với các tỉnh miền Đông và miền Tây Nam Bộ. Những địa bàn này đang có tốc độ đô thị hóa cao, làm thay đổi cấu trúc kinh tế - xã hội một cách sâu sắc. Do đó, việc xây dựng mô hình phát triển và đầu tư hạ tầng đô thị phù hợp với quá trình chuyển đổi 5 huyện vùng ven có ý nghĩa quan trọng trong giai đoạn hiện nay.
Mới đây, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho rằng, đến năm 2030, TP.HCM vẫn giữ nguyên 22 đơn vị hành chính gồm TP. Thủ Thủ Đức (đô thị loại I), 16 quận và 5 huyện. Theo ông Mãi, mặc dù 5 huyện ngoại thành chưa thể lên thành phố nhưng sẽ được đầu tư hạ tầng để đạt đô thị loại III, sau đó mới xem xét mô hình phù hợp. Trong giai đoạn này, TP.HCM tăng cường củng cố về chất lượng cơ sở hạ tầng kỹ thuật cho các địa phương trên. Những huyện trên cần tập trung xây dựng hạ tầng hướng đến các chỉ tiêu đô thị để chuyển lên thành phố trực thuộc tỉnh.
Tính đến thời điểm hiện tại, UBND TP.HCM đánh giá mô hình chuyển đổi lên đơn vị hành chính quận đối với 5 huyện là rất khó đạt được trong giai đoạn từ nay cho đến năm 2030. Cụ thể, muốn chuyển thành quận, các huyện phải đạt tiêu chí của đô thị loại đặc biệt, đồng thời 100% các xã phải đủ tiêu chí để chuyển đổi sang phường. Trong khi, hầu hết địa phương như huyện Cần Giờ, Củ Chi, Bình Chánh,... đang còn diện tích đất nông nghiệp khá nhiều. Ngay cả khi bỏ qua quận để lên thẳng thành phố trực thuộc TP.HCM, những địa phương nói trên cần hội tụ đủ 4 nhân tố: Cung ứng và chăm lo nhà ở cho người dân; Tạo điều kiện tiếp cận tốt dịch vụ và an sinh xã hội; Người dân cần thích nghi với môi trường sống ở đô thị; Ý thức tuân thủ pháp luật cao. Cả 4 nhân tố này ở các huyện ngoại thành còn đang thiếu hoặc chưa đủ mạnh.
Cũng theo Chủ tịch UBND TP.HCM, đến sau năm 2030, TP.HCM sẽ có cấu trúc như sau: Vùng trung tâm gồm các quận nội thành là đô thị đặc biệt, 4 đô thị trực thuộc (hướng tâm) là thành phố Thủ Đức, 3 đô thị loại II hay loại III gồm phía Bắc với Hóc Môn, Củ Chi, phía Tây với Bình Chánh và phía Nam với Nhà Bè, Cần Giờ và quận 7. Hiện nay, hồ sơ Quy hoạch TP.HCM thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đang được UBND TP.HCM hoàn thiện và trình Thủ tướng Chính phủ trong tháng 6, dự kiến sẽ được phê duyệt vào quý III năm nay.
Một số giải pháp đẩy nhanh tiến độ
Để thực hiện được mục tiêu trên, Sở Quy hoạch - kiến trúc cho rằng 5 huyện vùng ven nên đẩy mạnh công tác cải tạo không gian mở, công viên cây xanh gắn với xây dựng văn hóa đô thị.
Các huyện cần tập trung nguồn vốn đầu tư, chỉnh trang và phát triển đô thị, phấn đấu hoàn thành việc di dời toàn bộ nhà ở trên và ven kênh rạch, tổ chức lại cuộc sống dân cư tốt hơn.
Ngoài ra, địa phương cũng cần đầu tư xây dựng mới, thay thế chung cư cũ hư hỏng, nâng cấp các khu dân cư hiện hữu, xây dựng và phát triển các khu đô thị mới đồng bộ, văn minh, hiện đại.
Sở Quy hoạch - Kiến trúc đề xuất phát triển kiến trúc và cảnh quan đô thị hiện đại, xanh, thông minh, giàu bản sắc, bảo tồn và phát huy các đặc trưng văn hóa lịch sử, giá trị cảnh quan sông nước, phát triển quỹ nhà ở và hạ tầng xã hội, gắn với chiến lược và mô hình phát triển các trung tâm đô thị dịch vụ, đô thị công nghiệp. Đặc biệt, cả 5 huyện ven TP.HCM cần ưu tiên phát triển các cụm phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng sức chở lớn.
Thanh Trúc