Thứ sáu, 22/11/2024 00:40 (GMT+7)
Thứ ba, 03/03/2020 15:29 (GMT+7)

100% người dân sẽ có smartphone ‘made in Việt Nam’, giá chỉ từ 500 nghìn đồng

Theo dõi KTMT trên

Cùng với chủ trương tắt sóng 2G, lần đầu tiên Việt Nam có chương trình phổ cập điện thoai thông minh đến 100% người dân với giá chưa đến 500 nghìn đồng. Đây là cơ sở để đẩy mạnh chính phủ điện tử.

Sáng ngày 2/3, tại Hà Nội đã diễn ra Hội nghị giao ban Quản lý Nhà nước Quý 1/2020 của Bộ Thông tin & Truyền thông (TT&TT). Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, năm 2020 là năm chuyển đổi số quốc gia. Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, năm 2020, chính phủ sẽ đẩy mạnh việc phổ cập smartphone đến người dân. Do đó, Bộ trưởng yêu cầu các đơn vị thuộc Bộ cần tiếp tục tập trung hành động nhằm nâng cao thứ hạng Việt Nam về ICT với khẩu hiệu hành động: làm gương, kỷ cương, trọng tâm, bứt phá.

Năm 2020 cũng là năm triển khai bộ mã bưu chính quốc gia đến địa chỉ từng hộ gia đình, làm cơ sở để phát triển chính phủ điện tử.

100% người dân sẽ có smartphone ‘made in Việt Nam’, giá chỉ từ 500 nghìn đồng - Ảnh 1
Việt Nam sẽ phổ cập điện thoại thông minh đến 100% dân số. (Ảnh minh họa)

Điều này được thực hiện thông qua việc sản xuất những chiếc điện thoại thông minh Việt Nam với giá chỉ 45-50USD. Cùng với đó, nhà mạng sẽ bù giá 10 USD, các nhà phát triển ứng dụng cài sẵn trên máy hỗ trợ 1 USD/ứng dụng. Với chủ trương có khoảng 10 ứng dụng cơ bản giúp giảm bớt giá thành sản phẩm thêm khoảng 10 USD.

Cộng với việc trợ giá từ nhà sản xuất, giá bán những chiếc smartphone Việt đến tay người dân sẽ chỉ còn khoảng 20 USD, tức là chưa đến 500 nghìn đồng. Khi 100% người dân sử dụng smartphone, điều này sẽ rất thuận lợi cho việc triển khai chính phủ điện tử.

Về nhiệm vụ trọng tâm ngành TT&TT trong năm 2020, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết đây là năm đầu tiên mà nhiệm vụ xây dựng chính phủ điện tử quay về Bộ TT&TT. Đây cũng là năm đầu tiên Việt Nam bắt đầu chương trình chính phủ số.

Cũng trong năm nay, 100% các tỉnh và bộ ngành trên cả nước sẽ có nền tảng chia sẻ kết nối dữ liệu, có trung tâm an toàn an ninh mạng (SoC), 100% triển khai 4 lớp để bảo vệ hệ thống thông tin.

2020 là năm ra tuyên bố về Chính phủ điện tử Việt Nam dựa trên nền tảng di động, cung cấp dịch vụ trên nền di động. Đây cũng là năm đầu chúng ta có hệ thống giám sát quốc gia đo đạc về chính phủ điện tử, cùng với các số liệu chính xác hơn.

Trước đó, để góp phần đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số tại Việt Nam, Viettel đã có kế hoạch đẩy mạnh hơn nữa việc phổ cập 4G. Trong số đó, Viettel phối hợp cùng các nhà cung cấp Việt Nam phân phối loạt smartphone 4G giá dưới 1,5 triệu đồng/máy và feature phone 4G có giá khoảng 400 nghìn đồng/máy.

Việc phổ cập smartphone cũng phù hợp với lộ trình tắt sóng 2G do Bộ TT&TT đề xuất. Trước đó, bộ này đã trình Thủ tướng Chính phủ xem xét phương án dừng công nghệ di động cũ 2G vào năm 2022. Việc dừng sóng 2G sớm sẽ thúc đẩy tăng trưởng số lượng thiết bị di động đầu cuối thông minh, tiếp cận với nhiều dịch vụ mới như hành chính công, tạo điều kiện thúc đẩy Đề án Chuyển đổi số Quốc gia, Chính phủ điện tử.

Theo đại diện Cục Viễn thông, Việt Nam hiện đang tồn tại ba công nghệ di động mặt đất là 2G, 3G, 4G. Dự kiến triển khai thương mại 5G vào 2020. Như vậy từ năm 2021, trên mạng viễn thông Việt Nam sẽ cói đồng thời bốn công nghệ di động. Việc cùng lúc 4 công nghệ này bắt buộc các doanh nghiệp phải duy trì vận hành, khai thác 4 mạng di động riêng biệt, gây tốn kém cho doanh nghiệp, tài nguyên tần số bị chia nhỏ và doanh nghiệp không tập trung nguồn lực để tham gia vào công nghệ di động mới.

Việc loại bỏ công nghệ 2G cho phép giải phóng băng tần cho các công nghệ di động mới, giúp doanh nghiệp tiết kiệm và giảm chi phí khai thác, dành hạ tầng thụ động để phát triển các trạm phát sóng 5G.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ: “Sau 30 năm, 2G đã hoàn thành sứ mạng, mỗi người dân đã có một chiếc điện thoại. Việc tắt sóng 2G và hỗ trợ máy 4G cho người dân sẽ giúp đưa Việt Nam thành một trong số ít các nước với 100% là máy điện thoại thông minh, sẵn sàng cho công dân điện tử”.

Đối với lĩnh vực tuyên truyền, năm 2020 là năm hoàn tất việc quy hoạch báo chí. Việc quy hoạch báo chí của các hội đã được thực hiện hoàn tất trong tháng 2. Với những tờ báo thuộc các sở, các bộ, Bộ TT&TT sẽ hoàn thành việc quy hoạch trong năm nay. Đây cũng là năm đẩy mạnh đào tạo, đưa công nghệ số vào lĩnh vực báo chí.

Để bảo vệ cho đại hội Đảng các cấp, Bộ TT&TT đã thành lập một tổ công tác về nhân sự quy hoạch thông qua việc bám sát, theo dõi, xác minh và gỡ bỏ những thông tin sai sự thật trên không gian mạng về các đồng chí lãnh đạo và các đồng chí nằm trong quy hoạch.

Năm 2020 là năm mà các nền tảng xuyên biên giới buộc phải tuân thủ luật pháp Việt Nam. Bộ TT&TT sẽ có những hành động mạnh tay để yêu cầu các nền tảng xuyên biên giới khi làm ăn ở Việt Nam, thu tiền ở Việt Nam phải giúp Việt Nam thịnh vượng và tuân thủ luật pháp.

2020 cũng là năm đầu tiên Việt Nam đăng cai Hội nghị và Triển lãm Thế giới số (ITU Digital World) vào tháng 9. Đây là sự kiện lớn nhất ngành viễn thông từ trước đến nay, với khoảng 130 - 150 nước tham dự.

Ngọc Bảo

Bạn đang đọc bài viết 100% người dân sẽ có smartphone ‘made in Việt Nam’, giá chỉ từ 500 nghìn đồng. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: toasoanktmt@gmail.com

Cùng chuyên mục

Tin mới

Thanh Hóa: Đẩy nhanh tiến độ tham mưu, xây dựng các văn bản quy định tại Luật Đất đai, Luật Nhà ở
UBND tỉnh Thanh Hóa vừa ban hành văn bản về việc đẩy nhanh tiến độ tham mưu, xây dựng các văn bản theo thẩm quyền quy định chi tiết việc thực hiện Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản và các Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật.