Thứ bảy, 20/04/2024 14:03 (GMT+7)
Thứ hai, 24/01/2022 14:14 (GMT+7)

WB: 450 tua bin gió ngoài khơi cỡ lớn vận hành tại Việt Nam năm 2035

Theo dõi KTMT trên

Việt Nam có điều kiện thuận lợi để phát triển ngành công nghiệp điện gió ngoài khơi. Báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB) lộ trình đưa điện gió ngoài khơi của Việt Nam trở thành một ngành công nghiệp.

Báo cáo Lộ trình phát triển công nghiệp điện gió ngoài khơi do WB thực hiện vừa hoàn tất. Nghiên cứu được thực hiện trong thời gian từ tháng 2 đến tháng 10/2020 và theo đề nghị hỗ trợ của Chính phủ Việt Nam.

Theo đánh giá của WB, đến năm 2035, sẽ có khoảng 450 tua-bin gió ngoài khơi cỡ lớn vận hành tại Việt Nam, được lắp đặt trong khoảng 10 trang trại gió ngoài khơi móng cố định và một hoặc hai trang trại gió móng nổi.

Bên cạnh đó, dựa trên các kế hoạch hiện tại, sẽ có khoảng 30 trang trại điện gió gần bờ nhỏ sử dụng tua-bin nhỏ hơn. Tuy nhiên, một số dự án gần bờ này có thể không được tiến hành do rủi ro về tác động xấu đến môi trường và xã hội trong khu vực gần bờ.

WB: 450 tua bin gió ngoài khơi cỡ lớn vận hành tại Việt Nam năm 2035 - Ảnh 1
Điện gió gần bờ tác động xấu tới môi trường. (Ảnh minh họa)

Theo Báo cáo, các dự án điện gió gần bờ là dự án mà trang trại gió rất gần bờ (cách bờ 3 hải lý, tương đương 5,5 km) và có thể tiếp cận trực tiếp từ đất liền. Móng của tua-bin gió trong các dự án này thường là cọc có nắp bằng bê tông, tua-bin được sử dụng là tua-bin gió vốn dùng trên bờ, nhưng với thay đổi nhỏ. Việc lắp đặt tua-bin thường sử dụng sà lan đơn giản và tiến hành ở những vùng nước nông, lặng sóng.

Những dự án như vậy cũng được coi là bước đệm giữa điện gió trên bờ và ngoài khơi và Việt Nam đã sớm thiết lập một danh sách các dự án như vậy, đặc biệt ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

“Tuy nhiên, việc phát triển điện gió ở các khu vực gần bờ này có nguy cơ cao gây ra tác động xấu đến môi trường và xã hội, vì một số lý do. Đó là sự hiện diện của các loài động vật nằm trong Sách Đỏ ở các vùng ven biển; việc các khu vực này gần với các môi trường sống được bảo vệ hoặc nhạy cảm; tác động tiềm tàng đến động lực trầm tích ven biển; tác động tiềm tàng đến các cộng đồng ven biển, đặc biệt là đối với sinh kế của những người đánh bắt tận thu”, Báo cáo viết.

Cũng theo đánh giá này, các dự án điện gió gần bờ nằm gần các khu vực đa dạng sinh học trọng điểm, khu vực môi trường sống quan trọng hoặc nhạy cảm của động vật hoang dã sẽ khó đáp ứng các tiêu chuẩn của các quỹ quốc tế, thường tuân theo tiêu chuẩn môi trường và xã hội của WB.

Để tránh hoặc quản lý những tác động này, cần phải hoàn thành quy hoạch không gian biển hiệu quả ngay từ đầu. Các đánh giá tác động môi trường và xã hội (ESIA) cụ thể cho từng dự án sẽ được yêu cầu để thu thập dữ liệu cơ bản và xác định các biện pháp thích hợp để tránh, giảm thiểu và bù đắp cho các tác động liên quan đến dự án.

Đối với điện gió ngoài khơi, kịch bản phụ tải cơ sở thì đến năm 2030, công suất đặt là 2 GW trong tổng số 137,662 GW,chiếm tỉ lệ 1,45%, còn theo kịch bản phụ tải cao thì đến năm 2030, công suất đặt là 3 GW trong tổng số 147,552 GW, chiếm tỷ lệ 2%.

Điện gió ngoài khơi là một cơ hội tốt để thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài phát triển điện lực. Nghiên cứu của WB cho thấy, phát triển 10 GW điện gió ngoài khơi tại Việt Nam sẽ tạo ra 800 nghìn việc làm hàng năm với tổng giá trị tạo ra cho nền kinh tế ước đạt hơn 60 tỉ đô-la Mỹ trong gia đoạn từ 2020 đến 2035. Nguồn vốn FDI cũng sẽ đầu tư vào chuỗi cung ứng, trước mắt tập trung vào sản xuất thiết bị phụ trợ cho nhà máy điện, cánh turbin, cột tháp, dây cáp biển ngầm, phương tiện nổi để xây dựng móng nền và lắp đặt thiết bị và cuối cùng là sản xuất turbin với quy mô có thể đạt 500 triệu đô-la Mỹ trước năm 2030.

Đó chính là các lợi ích kinh tế, xã hội và môi trường to lớn và lâu dài khi Việt Nam phát triển ngành công nghiệp điện gió ngoài khơi và chuỗi cung ứng trong nước. Việc sớm xác định mục tiêu, cơ chế, chính sách tạo môi trường đầu tư hấp dẫn, có tính cạnh tranh cao cho điện gió ngoài khơi ngay trong Dự thảo Quy hoạch điện VIII là hết sức cần thiết để các dự án dài hạn có thể bắt đầu ngay từ bây giờ.

Đó có thể là cơ chế hợp đồng mua bán điện dài hạn, giá mua điện, kết nối mạng lưới phân phối và truyền tải điện, tỷ trọng hợp lý trong tổng sơ đồ điện và các chính sách hỗ trợ khác theo nguyên tắc đôi bên cùng có lợi. Sự bùng nổ của đầu tư tư nhân vào điện mặt trời thời gian vừa qua là một ví dụ minh chứng cho tính đúng đắn của chính sách.

Kinh nghiệm tại các thị trường điện gió ngoài khơi đi trước cho thấy, các mục tiêu dài hạn, đầy tham vọng có thể là nền tảng cho sự phát triển của ngành. Kết quả của lộ trình này cho thấy, mục tiêu 10 GW vào năm 2030 và 25 GW vào năm 2035 có thể sẽ hoàn thành. Đồng thời, hệ quả của việc tăng trưởng cao hơn là nguy cơ tác động xấu đến môi trường và xã hội cao hơn. Điều này càng đặt ra tầm quan trọng lớn hơn đối với nhu cầu xây dựng quy hoạch không gian biển và khung pháp lý về môi trường trước khi ban hành hợp đồng thuê biển.

Nguyễn Linh (T/h)

Bạn đang đọc bài viết WB: 450 tua bin gió ngoài khơi cỡ lớn vận hành tại Việt Nam năm 2035. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Quảng Bình: Hướng tới du lịch “Net zero”
Du lịch “Net Zero” là xu hướng mà các quốc gia trên thế giới đang hướng đến với mục đích không gây tổn hại đến môi trường trong quá trình hoạt động. Quảng Bình sẽ phát trển các sản phẩm du lịch theo xu hướng này.
Bảo đảm cung ứng điện trong thời gian cao điểm năm 2024
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Công điện số 38/CĐ-TTg ngày 15/4/2024 về việc triển khai quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các giải pháp bảo đảm cung ứng điện trong thời gian cao điểm năm 2024 và các năm tiếp theo.

Tin mới