Việt Nam hoàn thành mục tiêu kép
Phó thủ tướng Trương Hòa Bình cho biết năm 2020, Việt Nam vừa quyết liệt trong phòng chống dịch Covid-19, vừa tập trung phục hồi và phát triển KTXH, bảo đảm đời sống nhân dân.
Tại Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương diễn ra sáng 28/12, Phó thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình có báo cáo tóm tắt về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 và 5 năm giai đoạn 2016-2020; dự kiến phương hướng, nhiệm vụ thời gian tới.
Phó thủ tướng đánh giá nhiệm vụ được thực hiện trong bối cảnh có nhiều thuận lợi nhưng cũng gặp không ít khó khăn, thách thức. Việt Nam đã vượt qua và đạt được những thành tựu quan trọng, khá toàn diện trên hầu hết lĩnh vực, tạo nhiều dấu ấn nổi bật trong năm 2020 và 5 năm 2016-2020.
Kiểm soát tốt dịch Covid-19 là nền tảng cho phục hồi, phát triển KTXH
Cụ thể, cả nước đã tập trung phòng chống, kiểm soát tốt dịch bệnh, tạo điều kiện thuận lợi cho phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, chất lượng tăng trưởng được nâng lên, các cân đối lớn của nền kinh tế được cải thiện. Tốc độ tăng trưởng giai đoạn 2016-2019 bình quân 6,8%/năm. Dù chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh, tăng trưởng cả năm 2020 đạt 2,91% và là mức tăng trưởng cao hàng đầu thế giới.
Các đột phá chiến lược được tập trung thực hiện và đạt những kết quả tích cực; đã hình thành hệ thống pháp luật khá đầy đủ, toàn diện. Các loại thị trường vận hành cơ bản thông suốt, bước đầu gắn kết với khu vực và quốc tế. Chất lượng nguồn nhân lực được cải thiện, tỉ lệ lao động qua đào tạo đạt 64,5%.
Cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng đạt nhiều kết quả. Vốn đầu tư công được tập trung cho những dự án cấp bách, trọng điểm, có tính kết nối, lan tỏa cao; giải ngân vốn đầu tư công được chỉ đạo quyết liệt; vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước thực hiện năm 2020 đạt cao nhất trong giai đoạn 2011-2020.
“12 dự án yếu kém của ngành công thương được xử lý và đạt kết quả bước đầu, một số dự án đã có lãi và giảm lỗ lũy kế; đưa 3 dự án ra khỏi danh sách theo dõi, xử lý của Ban chỉ đạo”, Phó thủ tướng cho biết.
Bên cạnh đó, cơ cấu giữa các ngành và nội ngành tiếp tục chuyển dịch tích cực. Tỉ trọng ngành khai khoáng giảm, tỉ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo tăng nhanh; tỉ trọng hàng xuất khẩu qua chế biến tăng từ 65% năm 2016 lên 85% năm 2020; tập trung phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, hữu cơ.
Phát triển văn hoá, xã hội đạt kết quả tích cực, an sinh xã hội cơ bản được bảo đảm, đời sống nhân dân tiếp tục được cải thiện. Quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu có những chuyển biến rõ nét.
Ngoài ra, hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước được nâng lên; cải cách hành chính chuyển biến tích cực, môi trường kinh doanh được cải thiện; phòng chống tham nhũng được chỉ đạo quyết liệt. Tổ chức bộ máy Nhà nước tiếp tục được kiện toàn tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Quốc phòng, an ninh được tăng cường, chủ quyền quốc gia được giữ vững; đối ngoại và hội nhập quốc tế đạt nhiều kết quả quan trọng. Quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân và thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân được củng cố ngày càng vững chắc.
“Khả năng chống chịu của nền kinh tế chưa thật vững chắc”
Bên cạnh kết quả đạt được, Phó thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình cho rằng cần thẳng thắn nhìn nhận nước ta vẫn còn những tồn tại, hạn chế, bất cập.
Tăng trưởng kinh tế năm 2020 không đạt kế hoạch đề ra do tác động của đại dịch Covid-19, dẫn đến tăng trưởng bình quân 5 năm 2016-2020 không đạt mục tiêu. Khả năng chống chịu của nền kinh tế chưa thật vững chắc; năng lực cạnh tranh và tính tự chủ còn hạn chế.
Kết cấu hạ tầng chưa đáp ứng yêu cầu; đào tạo nguồn nhân lực còn bất cập về cơ cấu, số lượng và chất lượng; khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo chưa thực sự là động lực chính thúc đẩy năng suất lao động, năng lực cạnh tranh; cơ cấu lại gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng ở một số lĩnh vực hiệu quả chưa cao.
Kết quả giảm nghèo đa chiều chưa thực sự bền vững, khoảng cách phát triển giữa các vùng chậm được thu hẹp; việc thực hiện gói hỗ trợ người lao động, doanh nghiệp bị ảnh hưởng sâu bởi đại dịch Covid-19 chưa đạt yêu cầu đề ra; cải cách hành chính một số lĩnh vực còn bất cập; sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế còn khó khăn.
Kỷ luật, kỷ cương trong một số cơ quan, đơn vị còn chưa nghiêm; còn tình trạng thiếu quyết liệt, đùn đẩy, né tránh trách nhiệm; bảo vệ chủ quyền quốc gia còn nhiều khó khăn, thách thức; tình hình tội phạm trên một số lĩnh vực, địa bàn diễn biến phức tạp; tham nhũng, lãng phí ở một số nơi còn chưa được phát hiện, xử lý kịp thời; khiếu kiện về đất đai còn những vụ việc phức tạp, kéo dài.
Về phương hướng, nhiệm vụ năm 2021 và thời gian tới, Phó thủ tướng Trương Hòa Bình cho biết năm 2021, Việt Nam đặt mục tiêu GDP tăng khoảng 6%; CPI bình quân khoảng 4%; tỉ trọng đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) tăng trưởng khoảng 45-47%; năng suất lao động xã hội tăng khoảng 4,8%; tỉ lệ lao động qua đào tạo khoảng 66%...
“Nhiệm vụ của năm 2021 và thời gian tới là rất nặng nề, đòi hỏi các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước cần tiếp tục đổi mới tư duy, hành động quyết liệt hơn, hiệu quả hơn, vượt qua khó khăn, biến thách thức thành cơ hội, tận dụng tốt các thành tựu của cách mạng công nghiệp lần thứ tư và xu hướng dịch chuyển đầu tư, thương mại, chuyển đổi số… để thực hiện thành công các mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch năm 2021”, Phó thủ tướng nhấn mạnh.
Qua đó, tạo nền tảng vững chắc cho việc thực hiện các mục tiêu, định hướng chiến lược phát triển đất nước trong 5 năm, 10 năm tới và hiện thực hóa khát vọng phát triển đến năm 2045 đưa Việt Nam trở thành nước phát triển, thu nhập cao theo tinh thần các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội.
Văn Hưng