Vì sao hàng tấn cam đặc sản rụng bất thường?
Nấm bệnh, thời tiết thay đổi và quy trình chăm sóc chưa phù hợp... được xác định là nguyên nhân chính khiến cam đặc sản ở Nghệ An rụng hàng loạt.
Viện Bảo vệ thực vật, Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam vừa có báo cáo gửi Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Nghệ An xác định nguyên nhân khiến nhiều diện tích cam sắp thu hoạch bị rụng quả hàng loạt.
Cam rụng hàng loạt khiến người dân lo lắng. (Ảnh: P.T) |
Theo đó, sau khi khảo sát thực địa, lấy mẫu cam nhiễm bệnh tại nhiều vườn cam ở huyện Quỳ Hợp, Con Cuông, Anh Sơn, Nghĩa Đàn... đang rụng quả hàng loạt, cơ quan chức năng xác định nguyên nhân chính do cây cam bị nhiễm nấm bệnh và bệnh vàng lá gân xanh (còn gọi là bệnh Greening).
Bên cạnh đó, ruồi đục quả, sâu vẽ bùa, nhện đỏ, rầy chổng cánh... cũng là thủ phạm tấn công quả cam.
Ngoài ra, thời tiết không thuận lợi, hạn hán lâu, có lúc mưa quá nhiều cùng quy trình chăm sóc của người dân không đúng cách, phần lớn dựa trên kinh nghiệm cá nhân, ít ứng dụng khoa học kỹ thuật cũng là nguyên nhân khiến cây cam mất cân đối dinh dưỡng gây rụng quả.
Nhiều diện tích cam được trồng trên các khu đất trước đây từng xuất hiện bệnh, song không thực hiện các biện pháp phòng trừ dịch bệnh kỹ. Sau một thời gian, những mảnh đất này thoái hóa khiến bộ rễ cây cam không thể phát triển để hút chất dinh dưỡng, dẫn tới cây bị rối loạn sinh lý khiến quả rụng.
Người nông dân gom hàng tấn cam rụng đổ ra đường trước khi chôn lấp. (Ảnh: T.P) |
Cơ quan chức năng dự báo hiện tượng cam rụng còn gia tăng trong thời gian tới nên khuyến cáo các địa phương và chủ vườn phải thực hiện tiêu thoát nước, không để bị ngập úng.
Không bón phân ngay sau khi trời mưa, bởi sau thời gian nắng hạn kéo dài thì bộ rễ tơ của cây bị tổn thương, sẽ dễ gây thối khi gặp mưa. Cần phải sử dụng các chế phẩm kích thích rễ để cây ra rễ mới thì mới chăm bón.
Với vườn cam bị mất cân đối về dinh dưỡng, cần tuân thủ quy trình kỹ thuật chăm bón và phòng trừ sâu bệnh của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn.
Những vườn cam bị nấm thì sử dụng các loại thuốc theo hướng dẫn của cơ quan chức năng. Buộc chặt bỏ và tiêu hủy các vườn cam nhiễm bệnh vàng lá gân xanh sau khi tận thu quả để hạn chế nguồn lây lan.
Nghệ An có hơn 6.100 ha cam, phân bố chính ở các huyện Quỳ Hợp, Anh Sơn, Nghĩa Đàn, Con Cuông, Yên Thành... Sản lượng hàng năm đạt hơn 7.000 tấn. Tùy theo vùng trồng mà cam có mức giá dao động 20.000 - 50.000 đồng/kg, có vùng như Xã Đoài ở huyện Nghi Lộc giá cam đặc sản còn lên đến 400.000 đồng/kg.
Tuy nhiên, gần một tháng nay, nhiều diện tích cam sắp đến kỳ thu hoạch xảy ra hiện tượng rụng bất thường, nhiều cây rụng 60-80% lượng quả. Người dân phải nhặt đổ bên đường rồi chôn lấp.
Phạm Trường - Hoàng An