Thứ năm, 28/03/2024 19:54 (GMT+7)
Thứ bảy, 02/01/2021 08:00 (GMT+7)

Triển khai Thỏa thuận Paris với tâm thế mới

Theo dõi KTMT trên

Từ năm 2021, Việt Nam sẽ bước vào thời kỳ bắt buộc phải thực hiện các cam kết giảm phát thải khí nhà kính theo quy định của Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu (BĐKH) toàn cầu.

Đổi mới để mục tiêu có tính khả thi cao nhất

Thực hiện lộ trình cập nhật Báo cáo Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC), năm qua, Việt Nam là 1 trong 20 nước đầu tiên trên thế giới trình NDC cập nhật lên Ban Thư ký Công ước khung của Liên Hợp Quốc về BĐKH (UNFCCC). Trong đó, Việt Nam đề ra cam kết cao hơn và nêu rõ trách nhiệm thực hiện NDC của các Bộ, ngành, địa phương, tổ chức, cá nhân thực hiện NDC.

Theo ông Phạm Văn Tấn, Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu (Bộ TN&MT), so với NDC đầu tiên năm 2015, bản NDC cập nhật có 2 điểm mới nổi bật về nội dung và cách làm. Nội dung bản cập nhật bao gồm 3 hợp phần chính: Giảm nhẹ, thích ứng và đồng lợi ích. Việt Nam tăng mục tiêu giảm nhẹ phát thải từ 8% lên 9% bằng nguồn lực quốc gia. Và mức cam kết nếu có sự hỗ trợ của quốc tế tăng từ 25% lên 27%.

Về thích ứng, Việt Nam đã đưa ra những cam kết mang tầm định hướng chiến lược trong giai đoạn từ nay đến 2030, với những hoạt động nhằm giảm thiểu tổn thất, thiệt hại từ thiên tai và các tác động do BĐKH mang lại. Trong năm 2020, Chính phủ cũng đã phê duyệt Kế hoạch Thích ứng quốc gia (NAP). Nội dung NAP và đóng góp thích ứng trong NDC cập nhật của Việt Nam là đồng nhất và sẽ được triển khai trong thời gian tới.

Một điểm mới căn bản khiến NDC cập nhật của Việt Nam khác biệt so với hầu hết các nước khác, đó là hợp phần về đồng lợi ích. Việt Nam đã chỉ rõ mối quan hệ khi thực hiện thích ứng sẽ có tác động giảm nhẹ như thế nào, và việc giảm nhẹ hỗ trợ các hoạt động thích ứng ra sao. NDC cập nhật của Việt Nam là sản phẩm của một quá trình xây dựng công phu, tỉ mỉ kéo dài hơn 3 năm. Bộ TN&MT đã đưa ra bộ khung dự kiến các nội dung đưa vào NDC và kêu gọi các bên liên quan cung cấp thông tin. Đây là kênh thông tin mở để bất kỳ ai, từ các Bộ, ngành, chuyên gia độc lập, nhà khoa học…

Cách thức xây dựng từ dưới lên thể hiện tính chất tự quyết định của Việt Nam, tất cả các bên cùng lựa chọn cách thức đóng góp của ngành mình làm sao để mang tính khả thi cao nhất, triển khai thuận lợi nhất và bám sát mục tiêu nhất có thể.

Ngay sau khi Chính phủ phê duyệt NDC cập nhật, Bộ TN&MT đã có văn bản gửi các Bộ, ngành địa phương hướng dẫn triển khai, lồng ghép những nội dung cam kết vào kế hoạch 5 năm, 10 năm tới. Điều này một lần nữa khẳng định với quốc tế rằng, Việt Nam rất có trách nhiệm, đã cam kết là sẽ thực hiện, có kế hoạch triển khai ngay lập tức. Với một nước đang phát triển lại chịu nhiều tác động của BĐKH như Việt Nam, cách làm của Việt Nam đã thể hiện nỗ lực cao nhất cho đến thời điểm này.

Triển khai Thỏa thuận Paris với tâm thế mới - Ảnh 1
Trồng rừng ngập mặn để thích ứng biến đổi khí hậu. (Ảnh: MH)

Cụ thể hóa trong Luật - điểm “chốt” mang tính quyết định

Hiện nay, việc thực hiện NDC của Việt Nam nói riêng và thực hiện Thỏa thuận Paris nói chung đã được đưa vào Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi). Đây là dấu mốc quan trọng cho thấy Việt Nam quyết tâm tạo sự thay đổi về chất trong nỗ lực ứng phó BĐKH.

Chương VII về ứng phó BĐKH của Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi 2020 đã đưa ra các điều, khoản cụ thể về thích ứng, giảm nhẹ, bảo vệ tầng ô-dôn, lồng ghép ứng phó BĐKH vào các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện các cam kết quốc tế về ứng phó BĐKH. Trong đó, các nội dung liên quan đến NDC được quy định rất rõ đi kèm với cơ chế thực hiện.

Luật cũng chế định việc “tổ chức và phát triển thị trường các-bon” như là công cụ kinh tế để thúc đẩy giảm phát thải khí nhà kính trong nước, góp phần thực hiện đóng góp về giảm nhẹ do Việt Nam cam kết khi tham gia Thỏa thuận Paris về BĐKH. Theo đó, các cơ sở phải chịu trách nhiệm kiểm kê khí nhà kính và sẽ được phân bổ hạn ngạch phát thải. Trên cơ sở tổng hạn ngạch quốc gia được Thủ tướng Chính phủ quy định, Bộ TN&MT sẽ phân bổ hạn ngạch cho các cơ sở phát thải phải thực hiện kiểm kê phát thải hằng năm.

Đây là tiền đề để phát triển thị trường trao đổi phát thải trong nước, đồng thời, đẩy mạnh sự tham gia của khối doanh nghiệp trong các hoạt động giảm phát thải khí nhà kính, úng phó BĐKH.

Trong năm 2021, Bộ TN&MT sẽ cập nhật Chiến lược quốc gia về ứng phó BĐKH đến năm 2050, trong đó có nội dung phát triển phát thải thấp theo quy định tại Điều 4 của Thỏa thuận Paris.

Khánh Ly

Bạn đang đọc bài viết Triển khai Thỏa thuận Paris với tâm thế mới. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Bảo vệ môi trường – Nền tảng để phát triển kinh tế bền vững
Nhiều chuyên gia khẳng định rằng, bảo vệ môi trường chính là một trong những trụ cột để phát triển kinh tế xã hội bền vững. Khi kinh tế xã hội phát triển giúp chúng ta có đủ điều kiện để đảm bảo an ninh quốc phòng, giữ vững độc lập chủ quyền của dân tộc.

Tin mới

ĐHĐCĐ 2024 Tập đoàn GELEX diễn ra thành công
Sáng 28/3/2024, Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2024 của Công ty cổ phần Tập đoàn GELEX đã diễn ra tại Hà Nội. Với sự đồng thuận và nhất trí cao, Đại hội đã thông qua toàn bộ các báo cáo, tờ trình và nhiều nội dung quan trọng khác.