Thứ sáu, 29/03/2024 22:55 (GMT+7)
Thứ tư, 11/05/2022 11:00 (GMT+7)

TP.Cần Thơ: Sai phạm quản lý tài nguyên đất gây hậu quả nghiêm trọng

Theo dõi KTMT trên

Công tác quản lý, sử dụng tài nguyên đất trên địa bàn quận Ninh Kiều, TP. Cần Thơ giai đoạn 2018 - 2020 có nhiều sai phạm, buông lỏng quản lý dẫn đến hệ quả nghiêm trọng, có dấu hiệu vi phạm các quy định về quản lý đất đai.

Chính quyền thiếu cương quyết làm hình thành 145 lô nền trái quy định

Ngày 6/5/2022, Chánh Thanh tra TP. Cần Thơ ban hành Kết luận thanh tra số 754/KL-TTr về việc chuyển mục đích sử dụng đất, chuyển quyền sử dụng đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất thuộc thẩm quyền UBND quận Ninh Kiều.

Theo kết luận thanh tra, công tác quy hoạch sử dụng đất của quận Ninh Kiều có mặt tích cực là góp phần đảm bảo tính thống nhất trong công tác quản lý Nhà nước về đất đai, là cơ sở pháp lý quan trọng cho công tác giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, thu hồi đất, lập hồ sơ địa chính...

Thế nhưng, vẫn còn nhiều sai phạm trong công tác quản lý đất đai trên địa bàn quận Ninh Kiều được Thanh tra TP. Cần Thơ nêu ra. Trong đó có việc thực hiện thanh tra, kiểm tra việc thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và xử lý vi phạm do không thực hiện đúng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất chưa thực hiện thường xuyên.

TP.Cần Thơ: Sai phạm quản lý tài nguyên đất gây hậu quả nghiêm trọng - Ảnh 1
Trụ sở UBND quận Ninh Kiều, TP. Cần Thơ. 

Năm 2018, UBND quận Ninh Kiều có tiến hành 1 cuộc thanh tra về sử dụng đất trên địa bàn. Tuy nhiên, việc xử lý vi phạm trong việc thực hiện không đúng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất thiếu cương quyết, không triệt để dẫn đến năm 2018, trên địa bàn phường An Bình quận Ninh Kiều đã hình thành 4 khu dân cư tự phát, với diện tích san lắp trái quy định 10.300 m2, được phân ra 145 lô nền.

Thanh tra TP. Cần Thơ đánh giá, xảy ra tình trạng này nguyên nhân này là do một số UBND phương, xã thiếu trách nhiệm trong quản lý đất đai, xây dựng chưa kiên quyết xử lý các trường hợp sai phạm kịp thời. Nhiều trường hợp ban hành quyết định xử lý thiếu kiểm tra, không cương quyết cưỡng chế, không tạo được tính răn đe đối với các trường hợp vi phạm còn lại.

Ngoài ra, UBND quận Ninh Kiều thực hiện cho chuyển mục đích sử dụng đất tại một số phường trên địa bàn quận không căn cứ vào kế hoạch sử dụng đất hàng năm, dẫn đến cho chuyển mục đích sử dụng đất không đúng chỉ tiêu hoặc không có chỉ tiêu so với kế hoạch sử dụng đất được UBND Thành phố phê duyệt; vi phạm quy định tại Điều 52 Luật Đất đai năm 2013 về căn cứ cho chuyển mục đích sử dụng đất.

Thực hiện cho chuyển mục đích sử dụng đất cho nhiều hộ gia đình, cá nhân (8 trường hợp) không đúng với kế hoạch sử dụng đất hàng năm được duyệt, gây hậu quả nghiêm trọng, vi phạm quy định tại Điều 52 Luật Đất đai năm 2013 về căn cứ cho chuyển mục đích sử dụng đất. Đáng chú ý, có một số thửa đất cho chuyển mục đích với diện tích lớn, cá biệt có trường hợp cho chuyển với diện tích rất lớn, gây hậu quả nghiêm trọng, có dấu hiệu lợi dụng hoặc lạm dụng chức vụ, quyền hạn cho phép chuyển mục đích sử dụng đất trái quy định tại Điều 229 của Bộ Luật hình sự năm 2015: “Tội vi phạm các quy định về quản lý đất đai”.

Bên cạnh đó, các cơ quan tham mưu chưa thực hiện đúng các quy định của Luật Đất đai đối với các trường hợp thực hiện chuyển mục đích từ đất nông nghiệp sang đất ở, chưa đề ra được giải pháp ngăn chặn tình trạng tách thửa phân lô, chuyển nhượng quyền sử dụng đất hình thành khu dân cư tự phát trái với chủ trương của Thành phố.

Thanh tra TP. Cần Thơ đánh giá, các sai phạm nêu trên, trách nhiệm chính thuộc về Trưởng Phòng, Phó trưởng phòng và cán bộ, công chức có liên quan của phòng Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) quận Ninh Kiều; Các Phó Chủ tịch UBND quận Ninh Kiều là người trực tiếp ký cho phép chuyển mục đích sử dụng đất cho nhiều hộ gia đình, cá nhân nêu trên. Ngoài ra còn có trách nhiệm của Chủ tịch UBND quận Ninh Kiều tại thời điểm xảy ra sai phạm.

Kiến nghị công an vào cuộc điều tra

Trước những vi phạm trong quản lý, sử dụng tài nguyên đất đai trên địa bàn quận Ninh Kiều, Thanh tra TP. Cần Thơ kiến nghị Công an Thành phố điều tra làm rõ và xử lý theo quy định đối với hành vi thiếu trách nhiệm có dấu hiệu vi phạm gây hậu quả nghiêm trọng theo điểm d, khoản 1, Điều 360, Bộ Luật hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung 2017; và hành vi lợi dụng chức vụ quyền hạn cho phép chuyển mục đích sử dụng đất trái quy định có dấu hiệu “Tội vi phạm các quy định về quản lý đất đai” quy định tại điểm a khoản 1 Điều 229 của Bộ Luật hình sự năm 2015.

Đồng thời, Thanh tra TP. Cần Thơ kiến nghị, UBND Thành phố chỉ đạo Sở TN&MT chấn chỉnh công tác quy hoạch, sử dụng đất tại các huyện, tổ chức kiểm điểm làm rõ trách nhiệm cá nhân, đơn vị đối với những vi phạm trong tổ chức thực hiện công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trên địa bàn quận Ninh Kiều từ năm 2018 - 2020 (và thời kỳ có liên quan);

TP.Cần Thơ: Sai phạm quản lý tài nguyên đất gây hậu quả nghiêm trọng - Ảnh 2
Một số căn nhà tạm bợ được xây dựng tại khu dân cư tự phát thuộc phường An Bình, quận Ninh Kiều, thời điểm năm 2019 (Ảnh: Báo Giao thông).

Chỉ đạo UBND quận Ninh Kiều tổ chức kiểm điểm trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân theo thẩm quyền có liên quan trong việc tổ chức thực hiện công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trên địa bàn quận Ninh Kiều từ năm 2018 - 2020 để xảy ra các hạn chế, thiếu sót nêu trên. Đồng thời, tổ chức thực hiện đầy đủ, kịp thời các kiến nghị tại kết luận thanh tra.

Chỉ đạo Sở Nội vụ tham mưu, đề xuất Chủ tịch UBND Thành phố kiểm điểm xử lý trách nhiệm đối với sai phạm của Chủ tịch, phó Chủ tịch UBND quận Ninh Kiều và các tổ chức, cá nhân có liên quan được nêu trong kết luận thanh tra.

Kiến nghị Ủy ban kiểm tra Thành ủy, Quận uỷ Ninh Kiều kiểm điểm trách nhiệm đối với các cá nhân có liên quan thuộc thẩm quyền quản lý của Ban Thường vụ Thành ủy có sai phạm đã nêu trong Kết luận thanh tra theo Quy định số 102-QĐ/TW ngày 15/11/2017 của Ban Chấp hành Trung ương quy định xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm...

"Vá lỗ hổng" quản lý đất đai, tránh tiếp tay cho tham nhũng

PGS. TS. Nguyễn Quang Tuyến (Đại học Luật Hà Nội) cho rằng, những sai phạm về quản lý, sử dụng đất đai không chỉ xảy ra tại TP. Cần Thơ mà còn có ở hầu hết các tỉnh, thanh trên cả nước. Dù trong thời gian qua, nhà nước đã cố gắng sửa đổi pháp luật trong quản lý đất đai, tuy nhiên, thực tế vẫn còn tồn tại bất cập. Trong đó, lỗ hổng kiểm soát quyền lực làm không hiệu quả, nhiều người được giao quản lý đất đã tự ý thu hồi đất, cấp đất, giao đất, bán đất. Tình trạng này diễn ra phổ biến tràn lan tại nhiều địa phương trên cả nước.

Theo ông Tuyến, nguyên nhân là do hệ thống chính sách pháp luật đất đai của nước ta còn nhiều bất cập, chưa có được hệ thống dữ liệu đầy đủ về đất đai trong cả nước, do đó số liệu thông tin điều tra cũng có sự khác nhau. Việc thanh tra, kiểm tra, mặc dù phát hiện ra nhiều sai phạm nhưng dường như còn ít các xử lý về hình sự mà chủ yếu là xử lý hành chính, phạt tiền.

Hơn nữa, chế tài trong Luật Đất đai quy định rất chung chung. Ví như sai phạm nặng hay nhẹ để xử phạt hành chính và truy cứu trách nhiệm hình sự nhưng vấn đề là hiểu thế nào là nặng hay nhẹ thì nằm ở chỗ cơ quan thực thi pháp luật.

GS. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT cũng từng nhìn nhận: Cơ chế đất đai đang tạo nên nguy cơ tham nhũng rất cao. Ở cấp độ vĩ mô là tình trạng quan chức quận, tỉnh tùy tiện sửa chữa, bổ sung quy hoạch, mỗi nhiệm kỳ là một lần quy hoạch mới, một tuyến đường mới làm giá đất tăng vọt. Dư luận xã hội và cơ quan chức năng phanh phui ra được vụ lãnh đạo một số quận, huyện TP.HCM móc ngoặc doanh nghiệp bất động sản, đút túi hàng tỉ đồng nhờ bản quy hoạch “tùy hứng”. Nhưng đây mới chỉ là bề nổi của tảng băng chìm. Bởi ràng buộc trong luật quá thấp, ít ai phải chịu trách nhiệm về những bản quy hoạch làm theo tư duy nhiệm kỳ, hay việc định giá đất sai lệch hàng chục lần.

Để giải quyết tình trạng này, ông Võ cho rằng cần thực hiện 3 nguyên tắc thực thi pháp luật khi có xung đột: Văn bản quy phạm pháp luật do cơ quan có thẩm quyền cấp cao hơn ban hành có hiệu lực thực hiện cao hơn; văn bản quy phạm pháp luật do cùng cấp có thẩm quyền ban hành thì văn bản ban hành sau có hiệu lực thực hiện cao hơn; văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành có hiệu lực thực hiện cao hơn đối với các nội dung của chuyên ngành đó.

Đối với các khoảng trống pháp luật, Chính phủ nên tổ chức rà soát để xác định các nội dung cần bổ sung nhằm lấp đầy khoảng trống. Từ đó, xây dựng gấp một Nghị định quy định bổ sung và trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép ban hành Nghị định này. Nghị định đó cần tập trung vào quy định thống nhất về trình tự, thủ tục thực hiện một dự án đầu tư.

Quang Ngọc

Bạn đang đọc bài viết TP.Cần Thơ: Sai phạm quản lý tài nguyên đất gây hậu quả nghiêm trọng. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

GDP quý I/2024 tăng 5,66%
Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I/2024 ước tính tăng 5,66% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng của quý I các năm 2020-2023.