Thứ sáu, 29/03/2024 04:01 (GMT+7)
Thứ năm, 12/05/2022 14:18 (GMT+7)

Tiến sĩ Trương Mỹ Nhân - pha trà thành thơ

Theo dõi KTMT trên

Yêu trà, hoa hồng và thơ là những gì mà TS Trương Mỹ Nhân tạo ấn tượng ban đầu với người đối diện. Người đàn bà đẹp dịu dàng và cũng đầy bản lĩnh ấy vừa ra mắt tập thơ thứ hai, gây quỹ giúp trẻ tự kỷ và phụ nữ trầm cảm.

Giữ nỗi buồn để có thơ

“Người buồn rót nước pha trà thành thơ”… Dường như cả trà và thơ đều là đam mê, mang nhiều ý nghĩa trong cuộc sống của chị, chị có thể chia sẻ thêm về những đam mê này?

Ghi lại những cảm xúc đã trở thành một thói quen từ khi tôi còn nhỏ, kiểu như người ta viết nhật ký, chỉ có điều tôi diễn đạt nó bằng một cách khác, mà mọi người gọi đó là “thơ”.

Tôi viết thường xuyên, chẳng đặt nặng một triết lý to tát nào cả, chỉ là ghi lại những cảm xúc bất chợt đến, bất chợt đi, những nơi tôi đến, những người tôi gặp, những đoạn khúc thăng trầm trong cuộc đời. Cũng nhiều lần tôi muốn từ bỏ nhưng dường như đã thành “nghiệp”, muốn buông lại càng bị quấn chặt hơn.

Còn trà thì cũng chỉ mới thôi. Cách đây gần hai năm, trong một dịp sang Phúc Kiến (Trung Quốc), tôi say mê với cách pha trà của họ, cái hương vị thanh mát ấy thật khó quên. Nhưng phải đến khi quen một người bạn đã có nhiều năm uống trà, tôi mới quyết tâm đi sâu tìm hiểu.

Tôi tìm đọc rất nhiều sách viết về trà, cả thơ về trà nữa. Tôi thử các khái niệm uống trà khác nhau. Mỗi khi pha trà, tôi cảm nhận bản thân mình cũng thay đổi, điềm tĩnh hơn, buông xả hơn, yêu mình hơn (điều mà trước đây thật khó).

Cứ thế, trà ngấm vào mình lúc nào chẳng biết. Tôi đâm ra nghiện trà từ bao giờ chẳng hay. Và, những cảm xúc về trà cứ thế được viết ra bằng lời, bằng những cảm nhận thật sâu, thật sâu.

Nỗi buồn cũng xuất hiện trong tên tập thơ, trở đi trở lại khá nhiều trong thơ chị, hẳn với chị, nỗi buồn cũng có nhiều ý nghĩa trong cuộc sống?

À, ai mà chả buồn nhỉ. Nếu cứ vui mãi thì mệt lắm, nên thi thoảng cũng phải buồn. Tôi thì nghĩ, buồn hay vui đều là một cảm giác, cũng đều tròn đầy như nhau. Mà cảm giác thì không ở lại mãi, nó đến rồi nó đi. Nếu nó đến nhiều chứng tỏ mình yêu nó, mình muốn giữ nó lại. Tôi giữ nỗi buồn để có thơ.

Tiến sĩ Trương Mỹ Nhân - pha trà thành thơ - Ảnh 1
TS Trương Mỹ Nhân.

Là tiến sĩ, giảng viên Học viện Chính trị Quốc gia, bận rộn với giảng dạy, nghiên cứu. Thời gian chị dành cho thơ và trà là khi nào?

Một thiền sư nổi tiếng đã nói: “Tĩnh lặng là điều cốt yếu. Chúng ta cần tĩnh lặng như cần không khí, như cái cây cần ánh sáng”. Tôi cũng cần phải có không gian, thời gian cho riêng mình giữa bộn bề bận rộn. Đó là lúc tôi thả mình vào con chữ, hay là những buổi sáng ngồi một mình nghe tiếng nước reo, rồi nhìn nụ trà cong mình nở ra trong nước bỏng, nhấp một ngụm trà ấy mà nghe thời gian dừng lại nơi này.

Bán thơ lập quỹ

"Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau”, “hồng nhan đa truân”… Ở chị, có tài, có nhan sắc, lại là một nàng thơ, chị có thấy truân chuyên không?

Tôi cũng bình thường như mọi người thôi, thậm chí nhan sắc bậc trung. Việc gì tôi làm cũng khó khăn hơn người khác (tất nhiên là những người mà tôi biết thôi), nên thi thoảng cũng thấy chạnh lòng. Nhưng, tất cả đã là chuyện của hôm qua. Giờ tôi bình thản lắm, chấp nhận chữ “duyên”.

Vì sao chị chọn đối tượng trẻ tự kỷ và phụ nữ trầm cảm để gây quỹ?

Câu hỏi này nhiều người hỏi tôi lắm. Bởi mọi người vẫn nghĩ, đã làm từ thiện thì phải có đối tượng cụ thể, những kết quả cụ thể nhìn thấy ngay lập tức. Nhưng, với tôi, tôi lại hướng đến trẻ tự kỷ và phụ nữ trầm cảm. Họ rất nhiều xung quanh chúng ta.

Một gia đình có đứa trẻ tự kỷ là một nỗi khổ đau vô cùng, không chỉ là tinh thần, mà còn là sự lo lắng về vật chất đeo bám dai dẳng khi bố/mẹ khó lòng theo đuổi công việc. Có khi họ phải từ bỏ để chăm con. Tôi đã chứng kiến bạn bè tôi có con tự kỷ, tôi đau lòng lắm, thương lắm và không nguôi nghĩ về bé, chỉ mong mình làm được điều gì thôi.

Còn trầm cảm thì sao? Trầm cảm, lo âu sẽ phá hỏng mọi thứ xung quanh, cả gia đình, bạn bè cũng sẽ lần lượt bỏ bạn đi. Với người bình thường, họ dựa vào chính mình để hạnh phúc. Nhưng người trầm cảm thì họ không biết dựa vào đâu, họ không tin chính họ đâu, họ thậm chí chán ghét bản thân, đày đọa bản thân.

Bạn có tin mỗi người ít nhất cũng mắc chứng trầm cảm một lần trong đời không? Căn bệnh của xã hội hiện đại, cứ cuốn, cứ buộc người ta phải lao lên, phải đấu tranh để sinh tồn. Nếu con số trầm cảm, tự kỷ cứ tiếp tục tăng lên như thế, chúng ta lấy đâu ra nguồn nhân lực chất lượng để xây dựng gia đình, đất nước của chúng ta bây giờ và trong tương lai?

Với người trầm cảm, trẻ tự kỷ, không phải cho họ tiền để đi chữa bệnh như người ta đau tim, cho họ ngôi nhà để ở như những người còn nghèo khó là đủ, mà họ cần tình yêu thương của những người xung quanh, họ cần chia sẻ, họ cần gia đình, bạn bè, họ cần chấp nhận rằng họ đang bị rối loạn trầm cảm lo âu.

Họ cần không gian và cần được hòa nhập cộng đồng. Điều đó nếu chỉ phó thác cho gia đình thì khó khăn lắm. Thế nên tôi vẫn nghĩ, thay đổi cách nhìn đối với việc làm thiện nguyện cho người trầm cảm và tự kỷ là quan trọng hơn cách làm. Việc này chỉ có thể thông qua truyền thông, thông qua mạng lưới hỗ trợ của Nhà nước, xã hội và cộng đồng.

Hiện nay, việc tự in thơ và bán thơ tưởng như hái sao trên trời. Động lực nào để chị có thể làm dễ dàng điều này và còn có thể gây quỹ với số tiền không hề nhỏ từ việc bán thơ?

Quỹ cho các cháu còn rất nhỏ, tôi chỉ mong có đủ 100 triệu thôi. Hôm nọ, có một người muốn ủng hộ quỹ, họ hỏi tôi: Tại sao không tự huy động quỹ mà lại đi bán thơ, tổ chức đêm nhạc. Tôi nói, tôi nghèo lắm, tiền giảng dạy còn không đủ cho mẹ con tôi sinh sống.

Tôi cũng phải làm nghiên cứu, dạy thêm, thậm chí bán các concept trà. Tôi cũng chẳng có vị trí xã hội gì để vận động quỹ cho các cháu tự kỷ cả. Trời chỉ thương tôi, cho tôi ít khả năng viết lách, tôi muốn trả ơn đời bằng việc thiện nguyện ấy.

Nhưng nếu chỉ có 30 triệu (tiền in 500 tập thơ) thì quá ít để các cháu có thể tham gia một khóa tập huấn về tự kỷ ở Nam Định vào tháng 4 này. Các cháu cần nhiều hơn thế. Điều đó có thể có được, nếu tôi bán thơ và dành tất cả tiền bán thơ để tăng Quỹ tự kỷ.

Trở lại chuyện uống trà, nhiều người tôn vinh trà đạo, coi việc uống trà là một cách lấy lại những khoảng sống chậm, bình an cần thiết trong cuộc sống. Là người được bè bạn gọi là “chuyên gia trà đạo”, chị có thể chia sẻ nhiều hơn về trà?

Trước đây, tôi có đọc Chén trà trong sương sớm của nhà văn Nguyễn Tuân, tôi cũng thắc mắc tại sao lại có những áng văn về trà hay đến thế. Tại sao lại có người như cụ Ấm nâng niu chén tống đến thế.

Sau này, sáng sáng tôi cũng dậy đun nước, pha trà, cũng lau lau chùi chùi ấm tống, rồi hít thật sâu, lắng nghe tiếng nước reo, nhìn cọng trà cong mình, đánh thức trà, đánh thức mình qua làn khói mỏng thơm hương, tôi cũng cảm như “cuộc sống đang dần hồi sinh” thật.

Chị còn là người mê và trồng nhiều hoa hồng. Với những đam mê ấy, có thể gọi chị là người lãng mạn, sống chậm… hay là gì tương tự hay không?

Hoa hồng ư? Hoa hồng đẹp nhưng đỏng đảnh lắm, trồng và chăm sóc hoa hồng còn khó hơn chăm trẻ con. Mỗi ngày phải dành cho nó chừng một tiếng đồng hồ. Nhưng, nó làm tôi sống chậm lại, điều mà ai có lẽ cũng cần, trong khi cả xã hội lao như tên về phía trước, hết trách nhiệm này, bổn phận kia.

Tôi cũng không biết điều ấy gọi là gì, nhưng có lẽ lãng mạn thì đúng. Tôi được mệnh danh là người mơ mộng từ hồi xa xưa mà. Bạn tôi hồi Đại học gắn tôi với một câu thơ “Em dịu dàng, em mong manh như thể/ Khe khẽ chạm vào, khe khẽ tan ra”.

Cảm ơn chị về cuộc trò chuyện thú vị này.

Tiến sĩ Trương Mỹ Nhân, quê Hà Tĩnh, giảng viên Kinh tế, Học viện Chính trị Quốc gia, hiện sinh sống tại Hà Nội. Chị là tác giả của hai tập thơ Mắt của mùa, Người buồn rót nước pha trà thành thơ (NXB Hội Nhà văn, Cầu Vồng book phát hành). Với tập thơ mới nhất, chị dành toàn bộ tiền bán thơ (100 triệu đồng) gây quỹ dành cho trẻ tự kỷ và phụ nữ trầm cảm.

Theo GD&TĐ

Bạn đang đọc bài viết Tiến sĩ Trương Mỹ Nhân - pha trà thành thơ. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

ĐHĐCĐ 2024 Tập đoàn GELEX diễn ra thành công
Sáng 28/3/2024, Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2024 của Công ty cổ phần Tập đoàn GELEX đã diễn ra tại Hà Nội. Với sự đồng thuận và nhất trí cao, Đại hội đã thông qua toàn bộ các báo cáo, tờ trình và nhiều nội dung quan trọng khác.
Cùng VPBank khám phá lễ hội ẩm thực Pháp Balade en France
Từ ngày 5 đến 7/4/2024, lễ hội ẩm thực Pháp Balade en France với quy mô lớn nhất từ trước đến nay sẽ diễn ra tại công viên Thống Nhất. Lễ hội với quy mô tăng gấp rưỡi so với năm ngoái, nhằm quảng bá ẩm thực Pháp và Thế vận hội Mùa hè Paris 2024.

Tin mới

ĐHĐCĐ 2024 Tập đoàn GELEX diễn ra thành công
Sáng 28/3/2024, Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2024 của Công ty cổ phần Tập đoàn GELEX đã diễn ra tại Hà Nội. Với sự đồng thuận và nhất trí cao, Đại hội đã thông qua toàn bộ các báo cáo, tờ trình và nhiều nội dung quan trọng khác.