Thứ sáu, 29/03/2024 18:46 (GMT+7)
Chủ nhật, 12/09/2021 07:30 (GMT+7)

Phát thải từ máy tính và công nghệ thông tin ngày càng gia tăng

Theo dõi KTMT trên

Một nghiên cứu mới nhấn mạnh rằng, ngành công nghệ thông tin toàn cầu có thể chịu trách nhiệm về tỉ lệ phát thải khí nhà kính lớn hơn suy nghĩ trước đây. Lượng khí thải này sẽ tiếp tục tăng lên đáng kể nếu không có các giải pháp kịp thời.

Các tính toán trước đây về tỉ lệ phát thải nhà kính toàn cầu của công nghệ thông tin (CNTT), ước tính khoảng 1,8 - 2,8% có thể chưa phản ánh hết thực tế lượng phát thải của ngành này.

Một nhóm các nhà nghiên cứu từ Đại học Lancaster và công ty tư vấn phát triển bền vững Small World Consulting Ltd chỉ ra rằng, một số ước tính trước đây không tính đến toàn bộ vòng đời và chuỗi cung ứng của các sản phẩm và cơ sở hạ tầng CNTT, chẳng hạn như: Năng lượng sử dụng trong sản xuất các sản phẩm và thiết bị; Chi phí carbon liên quan đến tất cả các thành phần của chúng và lượng khí thải carbon hoạt động của các công ty đứng sau chúng; Năng lượng tiêu thụ khi sử dụng thiết bị...

Các nhà nghiên cứu cho rằng, tỉ lệ phát thải khí nhà kính toàn cầu thực sự của CNTT có thể vào khoảng 2,1 - 3,9%, mặc dù họ nhấn mạnh rằng vẫn còn những điểm không chắc chắn đáng kể xung quanh những tính toán này.

Việc so sánh tương tự là rất khó, nhưng những con số này cho thấy CNTT có lượng phát thải lớn hơn ngành hàng không, vốn chiếm khoảng 2% tổng lượng phát thải toàn cầu.

Phát thải từ máy tính và công nghệ thông tin ngày càng gia tăng - Ảnh 1
Tỉ lệ phát thải khí nhà kính toàn cầu thực sự của công nghệ thông tin có thể lớn hơn so với tính toán trước đây. (Ảnh minh họa)

Ngoài ra, nghiên cứu cảnh báo rằng các xu hướng mới trong điện toán và CNTT như dữ liệu lớn và AI, Internet of Things, cũng như blockchain và tiền điện tử có nguy cơ thúc đẩy sự tăng trưởng đáng kể hơn nữa về lượng phát thải khí nhà kính.

Trong bài báo mới được xuất bản hôm 10/9 bởi Tạp chí Patterns, các nhà nghiên cứu đã xem xét hai vấn đề trọng tâm là lượng khí thải carbon của chính CNTT, cũng như tác động của công nghệ thông tin đối với nền kinh tế.

Người ta thường trích dẫn và đưa vào các tính toán chính sách rằng công nghệ thông tin và máy tính sẽ dẫn đến hiệu quả cao hơn trên nhiều lĩnh vực khác, dẫn đến tiết kiệm lượng phát thải khí nhà kính ròng.

Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu cho rằng, bằng chứng lịch sử chứng minh điều ngược lại. Trong những năm qua, khi công nghệ thông tin ngày càng phát triển hơn, nó đã chiếm tỉ trọng lớn hơn trong lượng phát thải toàn cầu.

Ngoài ra, CNTT đã thúc đẩy cải thiện năng suất và hiệu quả trên phạm vi rộng, nhưng nghiêm trọng hơn, lượng phát thải khí nhà kính trên toàn cầu đã tăng lên đáng kể bất chấp tất cả những điều này. Điều này một phần có thể là do hiệu quả tăng lên dẫn đến tăng nhu cầu sử dụng CNTT.

Giáo sư Mike Berners-Lee cho biết: “Chúng tôi biết rằng CNTT và truyền thông có vai trò ngày càng lớn trong xã hội và mang lại hiệu quả cho hầu hết mọi ngóc ngách của nền kinh tế toàn cầu. Nhưng mối quan hệ của nó với việc giảm thiểu carbon có thể không đơn giản như nhiều người vẫn nghĩ”.

Tiến sĩ Kelly Widdicks, đồng tác giả của nghiên cứu từ Đại học Lancaster cho rằng: “Ngành CNTT và truyền thông cần phải hành động nhiều hơn nữa để giảm thiểu tác động của nó, ngoài việc tập trung vào việc chuyển đổi sang năng lượng tái tạo và các mục tiêu giảm carbon tự nguyện. Chúng tôi cần một cơ sở bằng chứng toàn diện về các tác động môi trường của CNTT và truyền thông cũng như các cơ chế để đảm bảo thiết kế công nghệ có trách nhiệm phù hợp với Thỏa thuận Paris”.

Nguyễn Luận

Bạn đang đọc bài viết Phát thải từ máy tính và công nghệ thông tin ngày càng gia tăng. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong cảnh báo sớm thiên tai
Bộ Tài nguyên và Môi trường đặt mục tiêu nâng cao độ tin cậy dự báo khí tượng thủy văn hàng ngày trong điều kiện thời tiết bình thường. Đáng chú ý sẽ nâng cao độ tin cậy dự báo khí tượng thủy văn bằng ứng dụng trí tuệ nhân tạo.
Việt Nam quyết tâm sản xuất hydrogen xanh
Thủ tướng Chính phủ vừa ký ban hành Quyết định số 165/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển năng lượng hydrogen của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Tin mới

GDP quý I/2024 tăng 5,66%
Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I/2024 ước tính tăng 5,66% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng của quý I các năm 2020-2023.