Thứ sáu, 29/03/2024 15:21 (GMT+7)
Thứ bảy, 20/03/2021 06:30 (GMT+7)

Hoàn thiện hệ thống pháp luật về môi trường, hướng đến phát triển bền vững

Theo dõi KTMT trên

ThS, Luật sư Hà Huy Phong – Trưởng Ban Pháp chế Trung ương Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam, Giám đốc điều hành Hãng luật TNHH Inteco cho rằng việc phát triển bền vững là để chúng ta sống có trách nhiệm với hậu thế và có trách nhiệm với xã hội.

Hoàn thiện hệ thống pháp luật về môi trường, hướng đến phát triển bền vững - Ảnh 1

Luật sư đánh giá như thế nào về tầm quan trọng của mục tiêu phát triển bền vững đối với Việt Nam, một quốc gia châu Á xuất phát điểm từ nền kinh tế nông nghiệp?

- Trong nền kinh tế bền vững luôn chú trọng vào hai nguyên tắc là lượng khai thác và sử dụng tài nguyên tái tạo phải luôn nhỏ hơn mức tái tạo của tài nguyên, và luôn duy trì lượng chất thải vào môi trường nhỏ hơn khả năng hấp thụ của môi trường. Các nguyên tắc đó đảm bảo sự cân bằng và bền vững của môi trường, làm cho môi trường không bị suy thoái, đảm bảo an toàn cho sự phát triển của đời sống dân sinh, cũng như cung cấp tài nguyên phục vụ sản xuất lâu dài, ổn định và bền vững hơn.

Ngày hôm nay chúng ta sử dụng tài nguyên thiên nhiên để làm nguyên liệu đầu vào cho hoạt động sản xuất, nhưng nếu không làm cho môi trường có cơ hội tái tạo lại tài nguyên, thì có nghĩa là chúng ta đã lấy mất một phần của tương lại, của các thế hệ con cháu chúng ta, và nặng nề hơn, còn đẩy trách nhiệm xử lý các vấn đề môi trường cho tương lai. Các thế hệ sau vừa không còn tài nguyên thiên nhiên để phục vụ sản xuất, lại vừa phải mang gánh nặng khắc phục và tái tạo môi trường sẽ dẫn tới khả năng bị kém phát triển.

Hoàn thiện hệ thống pháp luật về môi trường, hướng đến phát triển bền vững - Ảnh 2

Bên cạnh các yếu tố của nền sản xuất và kinh tế là các khía cạnh về đời sống dân sinh, về quyền được sống trong một môi trường trong lành và an toàn, quyền được bình đẳng và cùng phát triển, quyền được đảm bảo nền giáo dục có chất lượng, công bằng, toàn diện và thúc đẩy các cơ hội học tập suốt đời… Các nội dung như vậy được cụ thể hóa và nêu đầy đủ trong 17 mục tiêu phát triển bền vững mà Chính phủ đã quy định trong Nghị quyết 136/NQ-CP về phát triển bền vững.

Nói một cách khác, việc phát triển bền vững là để chúng ta sống có trách nhiệm với hậu thế và có trách nhiệm với xã hội và đồng loại trong cùng thời đại, đảm bảo sự phát triển thịnh vượng, hạnh phúc và khỏe mạnh.

Dĩ nhiên, phát triển bền vững đang được hiện thực hóa vào cuộc sống theo thời gian, nhưng chưa phải là đã có ngay lúc này và cũng không thể đạt được trong một thời gian ngắn sắp tới. Việt Nam vẫn đang là nước có trình độ phát triển trung bình, với rất nhiều vấn đề tồn tại về chất lượng sống, về cân bằng giữa phát triển kinh tế với các vấn đề về môi trường, về công nghệ.

Vậy tiềm lực và hạn chế của chúng ta là gì thưa Luật sư?

- Thứ lớn nhất mà chúng ta có được là sự quyết tâm và đồng lòng của cả hệ thống chính trị, của Nhà nước và cộng đồng doanh nghiệp, của nhân dân. Lợi thế thứ hai là chúng ta có thể đi tắt đón đầu và tiếp nhận những công nghệ mới, công nghệ tiên tiến từ các nước phát triển để ứng dụng vào hoạt động sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt. Lợi thế tiếp theo mà Việt Nam chúng ta có được, là sự ủng hộ và giúp đỡ của bạn bè quốc tế, của các tổ chức phi Chính phủ. Những điểm thuận lợi này là cơ hội, tài nguyên đầu vào cho các hoạt động để chúng ta có thể triển khai và thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững.

Hoàn thiện hệ thống pháp luật về môi trường, hướng đến phát triển bền vững - Ảnh 3

Nhật Bản ủng hộ và sẽ hỗ trợ Việt Nam phát triển bền vững. Ảnh chụp Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh và Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Taro Kono đồng chủ trì phiên họp Ủy ban Hợp tác Việt Nam - Nhật Bản lần thứ 10. 

Bên cạnh những thuận lợi, chúng ta cũng có những khó khăn nhất định trong quá trình phát triển bền vững. Trong điều kiện trình độ phát triển kinh tế ở mức trung bình, chúng ta cần khai thác và sử dụng nhiều tài nguyên thiên nhiên vào sản xuất, nhưng tiềm lực tài chính đầu tư cho các hoạt động tái tạo và khôi phục môi trường còn bị hạn chế. Trình độ công nghệ trong nước chưa đảm bảo đủ để giảm thiểu lượng nguyên liệu và nhiên liệu ở đầu vào sản xuất mà vẫn đảm bảo số lượng và chất lượng đầu ra ở hàng hóa, cũng như công nghệ chưa đủ để đảm bảo giảm thiểu lượng phát thải tác nhân ô nhiễm ra môi trường.

Nói cách khác, tiềm lực tài chính và năng lực công nghệ của chúng ta chưa đủ để vận hành kinh tế tuần hoàn, mà vẫn chủ yếu là kinh tế tuyến tính. Trong nền kinh tế phát triển bền vững, kinh tế tuyến tính cần bị loại bỏ dần và thay thế bằng kinh tế tuần hoàn, và chúng ta hiện chưa đủ tiềm lực để thực hiện yêu cầu này. Những khó khăn khác có thể nhận thấy, như trình độ phát triển kinh tế và nhận thức chưa đồng đều giữa các vùng miền và khu vực dân cư, mức sống và chất lượng sống của nhiều địa bàn vẫn còn rất thấp, năng lực và trình độ quản lý của một bộ phận cán bộ vẫn chưa đáp ứng yêu cầu…

Hoàn thiện hệ thống pháp luật về môi trường, hướng đến phát triển bền vững - Ảnh 4

Theo Luật sư, khung pháp lý đóng vai trò như thế nào đối với mục tiêu phát triển bền vững mà Đảng và Chính phủ đang nỗ lực hướng tới? Trong quá trình thực hiện, yếu tố này cần đáp ứng những yêu cầu nào?

- Ở giai đoạn nhận thức, phát triển bền vững phải là “Ý Đảng, lòng dân”, nhưng khi triển khai thực hiện, chúng ta cần thể chế hóa thành các quy phạm pháp luật cụ thể. Khung pháp lý của nó đảm bảo nhận thức, chính sách trở thành những quy định cụ thể, thành quyền và nghĩa vụ của các chủ thể trong xã hội, là cơ sở pháp lý và căn cứ để áp dụng vào các mối quan hệ giữa các chủ thể trong việc thực hiện phát triển bền vững.

Khung pháp lý không chỉ bao gồm các quy định về nghĩa vụ và quyền lợi mà còn bao gồm các chế tài áp dụng đối với những hành vi vi phạm quy định, nghĩa là nó có tính cưỡng chế để đảm bảo sự tuân thủ quy định pháp luật. Điều đó là cần thiết để đảm bảo lợi ích chung của xã hội, đảm bảo các mục tiêu phát triển bền vững không bị “đẽo cày giữa đường” hay “đầu voi đuôi chuột”.

Hoàn thiện hệ thống pháp luật về môi trường, hướng đến phát triển bền vững - Ảnh 5
Khung pháp lý đưa ra được các chuẩn mực để hạn chế hành vi gây hại tới môi trường. Ảnh minh họa. 

Khung pháp lý đưa ra được các chuẩn mực để hạn chế hành vi gây hại tới môi trường, tới các mục tiêu phát triển bền vững và cổ vũ, khuyến khích các biện pháp, hành động thiệt thực, có lợi cho môi trường, cho đời sống dân sinh để đạt tới các mục tiêu phát triển bền vững. Nói cách khác, khung pháp lý sẽ đạt các tiêu chuẩn phát triển xã hội như một đoàn tàu tịnh tiến lên phía trước, đẩy lùi các yếu kém và trì trệ vào quá khứ để tiến tới một tương lai tốt đẹp hơn. Trên đoàn tàu đó, có tất cả chúng ta và các chuẩn mực ứng xử, các chuẩn mực sống để không ai bị bỏ lại phía sau, không ai được quyền dẫm đạp và bỏ qua trật tự và lợi ích chung của xã hội để giành lợi ích riêng cho bản thân mình.

Có ý kiến cho rằng, khung pháp lý của chúng ta chưa đầy đủ để có thể khuyến khích, tạo điều kiện cho doanh nghiệp, người dân nghiêm túc thực hiện bảo vệ môi trường? Quan điểm của Luật sư về điều này như thế nào?

- Cái đó đang là hiện trạng của chúng ta, nghĩa là hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật của chúng ta đang ở mức thiếu và yếu để xử lý các vấn đề về môi trường. Và nếu đặt vào trình độ phát triển bền vững, thì hệ thống pháp luật của chúng ta đang còn quá nhiều thứ cần phải hoàn thiện thêm. Dĩ nhiên là chúng ta đang đặt vấn đề hoàn thiện của hệ thống pháp luật trong bối cảnh môi trường, nên cách nhìn nhận sẽ rất khác. Chúng ta cần đặt vấn đề hoàn thiện của hệ thống pháp luật trong bối cảnh chung của nền kinh tế sẽ có cái nhìn đúng đắn hơn.

Hoàn thiện hệ thống pháp luật về môi trường, hướng đến phát triển bền vững - Ảnh 6

Thẳng thắn mà nói thì chúng ta vẫn đang phải cân nhắc và bị vướng mắc giữa câu chuyện có đánh đổi môi trường để lấy phát triển kinh tế hay không. Chúng ta không đánh đổi môi trường lấy phát triển kinh tế, nhưng chúng ta cũng không thể vì bảo vệ môi trường mà làm cho kinh tế chậm phát triển. Chúng ta cần sự hài hòa và cân đối lợi ích của cả hai vấn đề.

Để có thể đạt được mục tiêu kép vừa phát triển kinh tế, vừa bảo vệ môi trường thì chúng ta phải đạt tới trạng thái trong nền kinh tế tuần hoàn. Ở trạng thái của nền kinh tế tuần hoàn, sự phát triển của kinh tế và bảo vệ môi trường không bị ngược nhau nên có thể tương hỗ, phát triển cùng nhau. Nhưng với hiện trạng trình độ của nền kinh tế hiện nay, chúng ta chưa có đủ điều kiện để có thể đảm bảo thực hiện tốt nhất mục tiêu kép đó. Câu chuyện của chúng ta, là làm sao vừa phát triển kinh tế, vừa hạn chế ảnh hưởng xấu tới môi trường.

Hoàn thiện hệ thống pháp luật về môi trường, hướng đến phát triển bền vững - Ảnh 7
Đạt tới trạng thái trong nền kinh tế tuần hoàn để thực hiện mục tiêu kép vừa phát triển kinh tế, vừa bảo vệ môi trường. 

Lợi ích của doanh nghiệp, lợi ích dân sinh cần đặt trong bối cảnh chung của trình độ phát triển mà nền kinh tế chúng ta đang có. Không thể áp đặt các tiêu chuẩn cao về bảo vệ môi trường để yêu cầu doanh nghiệp và cộng đồng thực hiện trong bối cảnh hiện tại. Chúng ta vẫn có nhiều quy định pháp luật có tính khuyến khích các cá nhân, tổ chức thực hành bảo vệ môi trường trong sản xuất kinh doanh và sinh hoạt, nhưng tính hiệu quả chưa cao.

Nói cách khác, pháp luật cần gắn với thực tiễn của cuộc sống, chứ không phải gắn với các mục tiêu xa vời mà chưa thể thực hiện ngay được. Cho nên, nói hệ thống pháp luật của chúng ta chưa đầy đủ để có thể khuyến khích, tạo điều kiện cho doanh nghiệp, người dân nghiêm túc thực hiện bảo vệ môi trường là không sai, nhưng nếu đòi hỏi cao hơn, thì cũng là câu chuyện còn phải bàn luận thêm nhiều hơn nữa.

Hoàn thiện hệ thống pháp luật về môi trường, hướng đến phát triển bền vững - Ảnh 8

Vậy Luật sư có thể chia sẻ cụ thể lý do vì sao dù đã hình thành khung pháp lý nhưng thực tế, công tác bảo vệ môi trường vẫn tồn tại nhiều bất cập? Chúng ta đã có nhiều quy định pháp luật có tính khuyến khích nhưng hiệu quả thực tế vẫn chưa cao?

- Dù khung pháp lý đã hình thành nhưng công tác bảo vệ môi trường vẫn còn tồn tại nhiều bất cập, có thể giải thích bằng một số nguyên nhân sau đây:

Thứ nhất: Nhận thức của các tổ chức, cá nhân tham gia vào hoạt động sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt vẫn còn chưa tốt. Chúng ta chưa rèn luyện được ý thức và thói quen bảo vệ môi trường. Việc vi phạm diễn ra thường xuyên, liên tục và phổ biến dẫn tới việc xử lý của cơ quan chức trách là không xuể. Vi phạm mà không bị xử lý thì dẫn tới quy định pháp luật bị nhờn. Đây là vấn đề đau đầu của chúng ta khi đặt ra vấn đề thiết lập quy định pháp luật với thực thi quy định pháp luật đó.

Hoàn thiện hệ thống pháp luật về môi trường, hướng đến phát triển bền vững - Ảnh 9
Đoàn Thanh tra Tổng cục Môi trường bắt quả tang Công ty sản xuất bột giấy Hapaco Đông Bắc xả nước thải ra Suối Sia (chảy vào sông Mã) qua đường ống ngầm. Nước thải được đánh giá là rất độc hại. 

Thứ hai: Sự yếu kém về trình độ quản lý và suy thoái phẩm chất của một bộ phận cán bộ chức trách. Rất nhiều trường hợp, chúng ta đã phát hiện và xử lý chính người trong cơ quan Nhà nước có thẩm quyền vì đã tiếp tay cho các hành vi vi phạm pháp luật về môi trường. Một số cán bộ thoái hóa đã vì quyền lợi cá nhân, lợi ích nhóm mà bất chấp quyền lợi và trật tự công cộng, ngang nhiên chà đạp lên các quy định pháp luật mà mình có nhiệm vụ phải thực thi.

Thứ ba: Bản thân hệ thống văn bản quy phạm pháp luật của chúng ta còn chưa hoàn thiện. Vẫn có tình trạng vừa thiếu, vừa yếu, chồng chéo lẫn nhau nên gây ra nhiều khó khăn cho công tác thực thi.

Điều cuối cùng sâu xa hơn, đó là khả năng lựa chọn của các chủ thể trong xã hội. Các chủ thể sản xuất kinh doanh có rất ít điều kiện để có thể cân bằng và đảm bảo đồng thời cả vấn đề về tăng trưởng kinh doanh với nghĩa vụ bảo vệ môi trường. Trong một dự án đầu tư, với một quỹ ngân sách nhất định, doanh nghiệp chỉ có thể mua máy móc để sản xuất nhưng không thể đầu tư thêm hệ thống xử lý chất thải. Để tìm kiếm lợi nhuận và phát triển kinh tế thì các tổ chức, cá nhân đó phải tìm mọi cách trốn tránh các nghĩa vụ về bảo vệ môi trường, dẫn tới hiệu quả thực thi pháp luật không đảm bảo trên thực tế.

Hoàn thiện hệ thống pháp luật về môi trường, hướng đến phát triển bền vững - Ảnh 10

Theo Luật sư, để pháp luật có thể đi vào cuộc sống và phát huy hiệu quả, chúng ta cần những nhóm giải pháp nào và đâu là giải pháp căn cơ nhất?

- Trình độ pháp luật gắn với trình độ phát triển của nền kinh tế - xã hội. Do đó, để pháp luật có thể đi vào cuộc sống và phát huy hiệu quả thì chúng ta cần nâng cao chất lượng sống và trình độ phát triển của xã hội. Kinh tế phải là lá cờ đầu, đi trước để dẫn đường và kéo theo sự phát triển của xã hội và trình độ văn minh, cho nên chúng ta cần tập trung mọi nguồn lực để phát triển kinh tế. Sự thuận lợi cho chúng ta, là khả năng nhập khẩu và ứng dụng công nghệ tiên tiến của thế giới nên không phải đối mặt với vấn đề đánh đổi môi trường lấy phát triển kinh tế, mà có thể dung hòa hai vấn đề đó trong mục tiêu chung về phát triển bền vững. Chúng ta cần nghiên cứu và nhanh chóng áp dụng các giải pháp mà kinh tế tuần hoàn đề xuất để hiện thực hóa vào nền kinh tế, để từ đó vừa phát triển kinh tế, vừa bảo vệ môi trường. Kinh tế phát triển, chắc chắn là nhận thức cộng đồng sẽ thay đổi và đi lên. Đó là giải pháp căn cơ nhất để pháp luật có thể đi sâu vào cuộc sống, để có thể tiên tiến hơn nữa.

Bên cạnh giải pháp tận gốc là phát triển kinh tế, thì việc tuyên truyền, giáo dục ý thức pháp luật cũng cần được coi trọng và đẩy mạnh hơn nữa. Phải làm cho cộng đồng nhận thức rõ được các quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm và lợi ích của mình trong vấn đề bảo vệ môi trường, trong vấn đề áp dụng công nghệ mới về bảo vệ môi trường và hành động bảo vệ môi trường khác.

Hệ thống pháp luật về môi trường của chúng ta còn thiếu và yếu, nên cần có sự nghiên cứu để hoàn thiện hơn nữa. Việc nghiên cứu là để tìm giải pháp phù hợp nhất với thực tiễn hiện nay của Việt Nam, là để không biến pháp luật thành lực cản đối với sự phát triển kinh tế nhưng vẫn đảm bảo không thả nổi các vấn đề về bảo vệ môi trường.

Cuối cùng, chúng ta cần kiên định và quyết đoán hơn trong các hoạt động thực thi pháp luật, xử lý nghiêm khắc và nhanh chóng, kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật, đặc biệt là hành vi của những cán bộ chức trách.

Xin cảm ơn những chia sẻ của Luật sư!

Cuối quý I/2021, Tạp chí Kinh tế Môi trường sẽ tổ chức Tọa đàm “Kinh tế Môi trường – Xu thế phát triển tất yếu cho kinh tế Việt Nam” nhằm tạo ra diễn đàn trao đổi và chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm, xác định những thách thức cũng như cơ hội cho doanh nghiệp trong việc phát triển kinh tế đi đôi với nhiệm vụ bảo vệ môi trường nhằm hướng đến sự phát triển bền vững.

Tọa đàm hứa hẹn là cuộc thảo luận bàn tròn thú vị, quy tụ các diễn giả nổi tiếng, các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực môi trường, các nhà kinh doanh tiên phong trong lĩnh vực Kinh tế Môi trường tại Việt Nam.

Thời gian dự kiến: 8h30-11h30 ngày 24/3/2021

Địa điểm: Hội trường Tầng 2 VPlace, tòa nhà 84 Duy Tân, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.

Thông tin vui lòng liên hệ:

Ông Nguyễn Mạnh Quân - Trưởng ban Truyền thông và Thương hiệu

Di động: 0979 14 24 26

Mọi câu hỏi, ý kiến đóng góp xin gửi về email: [email protected]

Vương Liễu

Bạn đang đọc bài viết Hoàn thiện hệ thống pháp luật về môi trường, hướng đến phát triển bền vững. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

10 dấu ấn nổi bật trong phát triển kinh tế-xã hội năm 2023
Khép lại năm 2023, trong bối cảnh thách thức nhiều hơn cơ hội và thuận lợi, tình hình diễn biến bất thường, phức tạp vượt mọi dự báo trước đó, chúng ta đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, khá toàn diện, nhiều lĩnh vực đạt thành tựu, dấu ấn nổi bật.

Tin mới

GDP quý I/2024 tăng 5,66%
Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I/2024 ước tính tăng 5,66% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng của quý I các năm 2020-2023.