Thứ sáu, 29/03/2024 18:51 (GMT+7)
Thứ năm, 12/08/2021 14:22 (GMT+7)

Hà Nội: Đo kiểm khí thải 5.000 xe máy, chỉ mất mỗi phút 1 xe

Theo dõi KTMT trên

Theo kế hoạch, các xe mô tô gắn máy cũ sẽ được kiểm tra khí thải tại 8 điểm trên toàn Thành phố. Vậy những xe không đạt yêu cầu thì xử lý ra sao?

UBND TP.Hà Nội vừa ban hành kế hoạch số 172 về việc triển khai thực hiện đo kiểm khí thải xe mô tô, xe gắn máy cũ đang lưu hành trên địa bàn thành phố, làm cơ sở nghiên cứu, đề xuất các giải pháp cải thiện chất lượng không khí.

Theo đó, khi tham gia chương trình đo kiểm khí thải tại các trạm đặt máy đo (8 đại lý), người dân sẽ được hỗ trợ toàn bộ chi phí kiểm định khí thải. Bên cạnh đó, chương trình cũng không phân biệt loại xe và số năm sử dụng khi vào đo kiểm. Tuy nhiên, khuyến khích sự tham gia của xe mô tô, xe gắn máy có thời gian sử dụng khác nhau để có dữ liệu đa dạng, phản ánh đúng thực trạng phát thải của xe đang lưu hành.

Hà Nội: Đo kiểm khí thải 5.000 xe máy, chỉ mất mỗi phút 1 xe - Ảnh 1
Việc đo kiểm khí thải chỉ mất 1 phút từ khi thiết bị được kết nối với xe đến khi hiện kết quả.

Về thắc mắc nếu đo kiểm không đạt mức tham khảo, chủ xe có bắt buộc phải bảo dưỡng rồi đo kiểm lại hay không? Đại diện Sở TN&MT Hà Nội cho biết, sau khi kiểm tra khí thải và tư vấn, người dân có quyền lựa chọn có bảo dưỡng xe hoặc không. Thời gian kiểm tra khí thải chỉ mất 1 phút tính từ thời điểm thiết bị được kết nối với xe đến khi hiện kết quả trên màn hình.

“Hiện nay chưa có quy định cụ thể với các xe mô tô, xe gắn máy chưa đạt mức khí thải tham khảo. Các phương tiện vẫn tiếp tục được lưu hành trên địa bàn thành phố sau khi được kiểm tra và bảo dưỡng. TP.Hà Nội chưa có nghiên cứu chính thức, chưa có quy định chính sách cụ thể đối với mức tiêu chuẩn khí thải xe máy đang lưu hành. Do đó, kết quả chương trình thể hiện đúng thực trạng phát thải của xe mô tô, xe gắn máy, từ đó đóng vai trò quan trọng trong việc thành phố và Bộ ban hành chính sách phù hợp”, vị này cho biết thêm.

Trao đổi với phóng viên Tạp chí Kinh tế Môi trường, TS Nguyễn Xuân Thủy, chuyên gia giao thông cho biết, phương tiện cũ nát là một trong những thủ phạm gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng hiện nay. Để giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường, việc hạn chế những chiếc xe cũ nát thải nhiều khí độc hại ra môi trường là điều cần thiết. Tuy nhiên, để kiểm soát cũng như thu hồi các phương tiện cũ nát, giảm thiểu ô nhiễm môi trường phải có biện pháp đồng bộ toàn diện và theo lộ trình chứ không thực hiện nửa vời.

Đặc biệt ở Việt Nam, cuộc sống người dân đang rất khó khăn. Lượng người sử dụng xe máy cũ rất nhiều, vậy nên khi sàng lọc những phương tiện cũ nát phải có những chế tài rõ ràng và có lộ trình chứ không nên thực hiện đại trà gây khó khăn cho người dân. "Trước tiên cần triển khai thử tiêu chuẩn gây ô nhiễm môi trường của xe máy và ô tô như thế nào chứ không nên theo thời hạn. Cơ quan chức năng phải kiểm tra những phương tiện lưu thông trên đường xả khói đen cần thu hồi nhưng ngược lại phải có chính sách phù hợp", TS Nguyễn Xuân Thủy cho biết thêm.

Khi được hỏi về giải pháp trong vấn đề này, TS Nguyễn Xuân Thủy cho rằng, trong thời điểm kinh tế khó khăn và đang chịu ảnh hưởng nặng nề của Covid-19, chúng ta phải có chính sách hỗ trợ hợp lý để không ảnh hưởng đến người dân. Cơ quan chức năng tiến hành thu giữ những xe máy cũ nát thay vào đó là hỗ trợ người dân một số tiền từ 3 đến 5 triệu đồng. Số tiền này có thể được trích từ tiền xử phạt những xe vi phạm để hỗ trợ người dân mua chiếc xe khác.

“Tôi nghĩ chính sách này rất hợp lý và nhân văn mà lại mang tính thực tế cao. Hơn nữa chúng ta vẫn có thể giám sát được vấn đề ô nhiễm môi trường, mặt khác tạo điều kiện cho người dân”, TS Thủy chia sẻ.

Khi được tham vấn ý kiến về việc đo khí thải xe quá niên hạn để làm căn cứ xử lý các xe này, các chuyên gia về môi trường đều lên tiếng ủng hộ và cho rằng, cần phải thực hiện sớm và đồng loạt để hạn chế những xe máy cũ không đảm bảo vấn đề bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, việc thu hồi cũng cần có cơ chế hỗ trợ đối với người dân, tránh việc người dân lại tái sử dụng lại những xe quá niên hạn và gây ô nhiễm môi trường.

PGS.TS Nghiêm Trung Dũng, Viện Khoa học & Công nghệ môi trường - INEST, Trường ĐH Bách Khoa Hà Nội cho biết, theo Quyết định 49/2011/QĐ-TTg của Thủ tướng, ôtô sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu mới phải đáp ứng tiêu chuẩn khí thải Euro 4 từ ngày 1/1/2017 (nếu chạy xăng) xe máy phải đáp ứng tiêu chuẩn Euro 3 từ 1/1/2017 để đảm bảo tiêu chuẩn khí phát thải. Tuy nhiên, khi xe máy đi vào lưu hành lại không được đăng kiểm để kiểm tra lượng khí phát thải giống như ô tô. PGS.TS Nghiêm Trung Dũng ủng hộ chủ trương thu hồi các phương tiện không đảm bảo các tiêu chuẩn về không khí, vượt mức khí phát thải quy định. Tuy nhiên, việc loại bỏ như thế nào cần được nghiên cứu kỹ lưỡng để đảm bảo xử lý hài hòa lợi ích giữa các bên. 

Xuân Hòa (t/h)

Bạn đang đọc bài viết Hà Nội: Đo kiểm khí thải 5.000 xe máy, chỉ mất mỗi phút 1 xe. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Hà Nội “mạnh tay” xử lý ô nhiễm nước sông Cầu Bây
TP. Hà Nội sẽ không cấp phép môi trường, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường với các dự án, cơ sở không có biện pháp, công trình xử lý nước thải đảm bảo xử lý nước thải đạt quy chuẩn Việt Nam trước khi xả ra sông Cầu Bây.

Tin mới

GDP quý I/2024 tăng 5,66%
Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I/2024 ước tính tăng 5,66% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng của quý I các năm 2020-2023.