Thứ sáu, 19/04/2024 18:17 (GMT+7)
Thứ bảy, 20/11/2021 18:04 (GMT+7)

Điều chỉnh nguồn cần tính đến bài toán giá và đảm bảo an ninh cung cấp điện

Theo dõi KTMT trên

Theo nhiều ý kiến cho rằng, để Việt Nam hiện thực hóa được mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng 0 (Net Zero) vào năm 2050, cần các giải pháp tăng tỷ trọng năng lượng tái tạo vào hệ thống lưới điện Việt Nam và cắt giảm các nguồn gây phát thải.

Báo Công Thương đã có cuộc trao đổi với ông Hà Đăng Sơn để làm rõ hơn vấn đề này.

Nhiều ý kiến cho rằng, để chuyển dịch năng lượng hướng đến tăng trưởng xanh, phát thải bằng 0, Việt Nam cần nâng cao tỷ trọng nguồn năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời) và giảm tối đa điện than? Ông có đánh giá như thế nào về vấn đề này?

Trong xu thế biến đổi khí hậu toàn cầu, cam kết của Thủ tướng tại hội nghị COP26 cho thấy, Việt Nam đã rất nỗ lực trong việc tham gia các công ước quốc tế và các chính sách về biến đổi khí hậu trong nước. Đây là cam kết mạnh mẽ của Việt Nam, cùng với nhiều nước trên thế giới nhằm thực hiện Net Zero vào năm 2050.

Điều chỉnh nguồn cần tính đến bài toán giá và đảm bảo an ninh cung cấp điện - Ảnh 1
Ông Hà Đăng Sơn, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Năng lượng và Tăng trưởng xanh.

Do ngành năng lượng đóng góp tỷ trọng lớn vào phát thải khí nhà kính quốc gia, Bộ Công Thương sẽ là cơ quan chịu trách nhiệm xây dựng và triển khai lộ trình giảm phát thải từ các nguồn năng lượng và công nghiệp, mà trước mắt là phải lên phương án giảm nguồn điện than trong Quy hoạch điện VIII.

Tuy nhiên, do điện than đang là nguồn năng lượng truyền thống có thể chủ động đảm bảo an toàn cung ứng điện, trong khi thực tế cho thấy, các nguồn điện năng lượng tái tạo có sản lượng rất thấp, chỉ bằng 1/3-1/5 sản lượng của các nguồn khác cùng công suất lắp và không đảm bảo độ ổn định. Do đó, quá trình chuyển dịch sang một cơ cấu nguồn điện phi than đá cần có lộ trình phù hợp, cho phép có đủ thời gian chuẩn bị các nền tảng cần thiết (như đầu tư hạ tầng truyền tải và dịch vụ phụ trợ, xây dựng khung pháp lý phù hợp…) và phù hợp với nhu cầu thực tiễn của nền kinh tế.

Ngoài ra, lộ trình này cũng cần được tính toán để tạo điều kiện phát triển năng lực địa phương, hướng tới việc làm chủ công nghệ và tham gia mạnh mẽ vào chuỗi cung ứng toàn cầu, thay vì phụ thuộc quá nhiều vào công nghệ và nhà thầu nước ngoài như trong giai đoạn giá FIT vừa qua.

Quy hoạch điện VIII đang tiếp tục được nghiên cứu, điều chỉnh, theo ông việc thay đổi cơ cấu nguồn điện có tác động như thế nào đến an ninh cung cấp điện?

Về cơ cấu nguồn điện theo dự thảo Quy hoạch điện VIII, đối với các ràng buộc hiện tại thì có thể xem là hợp lý, tuy nhiên, nếu đưa theo điều kiện của Net Zero vào thì cơ cấu nguồn có thể sẽ phải thay đổi. Và những thay đổi này sẽ đòi hỏi phải có những điều kiện liên quan, ví dụ như khả năng sẵn sàng của hệ thống điện (bao gồm cả hệ thống truyền tải) để tiếp nhận tỷ trọng nguồn điện gió và mặt trời ở mức cao hơn, các quy định liên quan tới huy động và chi trả cho các dịch vụ phụ trợ, hay các cơ chế thúc đẩy việc triển khai pin lưu trữ…

Như vậy, có thể thấy, các điều kiện này ít nhiều sẽ làm tăng thêm chi phí tổng thể của toàn bộ hệ thống, và sẽ dẫn đến hệ lụy phải tăng giá điện, giá năng lượng để đảm bảo bù đắp các chi phí này. Và câu chuyên giá điện, năng lượng tăng sẽ ảnh hưởng đến các vấn đề khác như phát triển công nghiệp, đầu tư, hạ tầng, tiêu dùng.

Trong ngắn hạn, với tỷ trọng công suất điện gió và điện mặt trời đã khá cao thì việc tiếp tục đầu tư quá nhiều vào năng lượng tái tạo trong khi hạ tầng truyền tải cũng như các nguồn dự phòng linh hoạt chưa sẵn sàng sẽ gây nhiều rủi ro cho hệ thống, và sẽ làm chi phí hệ thống tăng cao. Tuy nhiên trong dài hạn, với những biến động khó dự đoán của giá nhiên liệu (than, dầu) cũng như dưới tác động của biến đổi khí hậu thì các nguồn điện tái tạo sẽ có vai trò quan trọng trong đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, đặc biệt khi Việt Nam có thể làm chủ các công nghệ liên quan thông qua hợp tác chuyển giao công nghệ với các quốc gia phát triển như Hoa Kỳ, Đức, Đan Mạch… để phát triển nền công nghiệp năng lượng tái tạo quốc gia, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế theo hướng xanh, sạch.

Như vậy, việc chuyển dịch năng lượng theo hướng phát triển năng lượng xanh, sạch là đúng hướng, song cần tính toán hợp lý, tăng bao nhiêu và lộ trình như thế nào để đảm bảo an ninh cung cấp điện quốc gia cho từng giai đoạn và có dự phòng. Do đó cần phải tính toán thật kỹ trong việc điều chỉnh lần này, vì việc lập quy hoạch cần phải dựa trên những chứng cứ khoa học, các văn bản pháp lý cụ thể, và phải đảm bảo có được một tỷ lệ nguồn điện “chắc chắn” trong đầu tư và vận hành trước khi xem xét đưa thêm các nguồn có độ bất định cao.

Vậy theo ông, giải pháp nào để hướng đến chuyển dịch ngành năng lượng theo hướng bền vững, góp phần giảm phát thải và bảo vệ môi trường?

Hiện nay, các quốc gia trên thế giới đều hướng tới việc tăng cường sản xuất và sử dụng các nguồn năng lượng xanh, giảm phát thải, khai thác tối đa tiềm năng các nguồn năng lượng tái tạo gắn với những cam kết quốc tế về bảo vệ môi trường và chống biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, để đạt Net Zero vào năm 2050 thì Việt Nam cần đầu tư rất lớn cho tích trữ năng lượng, thủy điện tích năng và truyền tải điện.

Theo nghiên cứu, để bù đắp chi phí phát sinh khi thực hiện theo kịch bản Net Zero, Việt Nam cần 19 tỷ USD để giữ giá điện thông thường và hàng năm cần khoảng 1 tỷ USD để đầu tư cho ngành điện. Do vậy, Việt Nam sẽ cần nhiều sự hỗ trợ của quốc tế, đặc biệt là các nguồn vốn vay ODA giá thấp, cũng như phải có những cơ chế chính sách đột phát để huy động nguồn lực từ khối tư nhân.

Ngoài ra, để chuyển dịch năng lượng thành công, hướng tới mục tiêu phát thải thấp, Việt Nam cần rất nhiều yếu tố về công nghệ, tài chính. Và để năng lượng tái tạo gồm điện mặt trời, điện gió và nguồn điện khí có thể trở thành những nguồn điện với chi phí hợp lý, độ tin cậy cao thì cần phải đáp ứng đủ sự linh hoạt trong hệ thống điện, đảm bảo quá trình chuyển dịch năng lượng của Việt Nam diễn ra hiệu quả và ngăn ngừa được các tác động tiêu cực.

Và quan trọng hơn hết, để đạt được mục tiêu Net Zero đòi hỏi sự cân đối tổng thể giữa các bộ, ngành khác nhau, vì điện lực chỉ đóng góp một phần trong tổng lượng phát thải ngành năng lượng, ngoài ra còn có các lĩnh vực khác đóng vai trò quan trọng như giao thông vận tải, xây dựng, công nghiệp… Do đó, Bộ Kế hoạch Đầu tư cần chủ trì, phân tích, tính toán, đánh giá lại cơ cấu của các ngành như thế nào, phát thải từng ngành là bao nhiêu, từ đó mới có thể tìm ra trách nhiệm cụ thể của từng bộ, ngành, lĩnh vực. Đặc biệt, vai trò của Chính phủ cần phải điều tiết các bộ, ban ngành liên quan trong thực hiện mục tiêu chung này và đây là câu chuyện tổng hoà của toàn quốc gia.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Theo Báo Công Thương

Bạn đang đọc bài viết Điều chỉnh nguồn cần tính đến bài toán giá và đảm bảo an ninh cung cấp điện. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Quảng Bình: Hướng tới du lịch “Net zero”
Du lịch “Net Zero” là xu hướng mà các quốc gia trên thế giới đang hướng đến với mục đích không gây tổn hại đến môi trường trong quá trình hoạt động. Quảng Bình sẽ phát trển các sản phẩm du lịch theo xu hướng này.
Bảo đảm cung ứng điện trong thời gian cao điểm năm 2024
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Công điện số 38/CĐ-TTg ngày 15/4/2024 về việc triển khai quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các giải pháp bảo đảm cung ứng điện trong thời gian cao điểm năm 2024 và các năm tiếp theo.

Tin mới

Petrovietnam kinh doanh ra sao trong quý I?
Trong quý I/2024, hầu hết các chỉ tiêu sản xuất của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) đều hoàn thành vượt mức kế hoạch. Trong đó, khai thác dầu thô đạt 2,54 triệu tấn, vượt 19,4% .