Thứ năm, 18/04/2024 18:20 (GMT+7)
Thứ tư, 13/11/2019 17:46 (GMT+7)

Điểm mặt loạt dự án 'băm nát' thiên nhiên, tận diệt tài nguyên

Theo dõi KTMT trên

Các địa phương đã dành nhiều ưu đãi đặc biệt để thu hút doanh nghiệp đầu tư làm dự án nghỉ dưỡng, phát triển du lịch sinh thái. Thế nhưng, nhiều chủ đầu tư dự án đã bất chấp quy định pháp luật, thi công xây dựng sai phép, lấn chiếm đất rừng, bãi biển, mặc sức phá huỷ thiên nhiên... chỉ vì những lợi ích kinh tế quá lớn.

Mới đây ngày 3/10, ông Hồ Quốc Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định đã có ý kiến kết luận trong cuộc họp giải quyết việc phá rừng phi lao tại khu vực dự án Nhà máy phong điện Phương Mai 1 do Công ty CP Phong điện Phương Mai làm chủ đầu tư dự án. Trước đó, hơn 140 ha rừng dương lá chắn thiên tai cho hàng nghìn người dân ở 2 huyện Tuy Phước và Phù Cát, tỉnh Bình Định bất ngờ bị cưa phá, đốt sạch.

Ước tính có hàng trăm nghìn cây dương đường kính từ 10cm – 50cm, tuổi có thể từ 5 đến 40 năm bị cưa phẳng sát gốc. Hiện trường cho thấy, các đối tượng sử dụng cưa máy và các phương tiện cơ giới để mở đường phá rừng. Sau khi cưa hạ, cây lớn được vận chuyển đi nơi khác để tiêu thụ, còn hiện trường được dọn dẹp và đốt cháy nhiều lần để xóa dấu vết, làm cũ vết cưa hạ.

Điểm mặt loạt dự án 'băm nát' thiên nhiên, tận diệt tài nguyên - Ảnh 1
Hơn 140 ha rừng dương lá chắn thiên tai ở 2 huyện Tuy Phước và Phù Cát, tỉnh Bình Định bất ngờ bị cưa phá, đốt sạch.

Lãnh đạo tỉnh Bình Định đã chỉ đạo Ban Quản lý khu kinh tế yêu cầu chủ đầu tư khẩn trương xây dựng tường rào bảo vệ và thực hiện trồng lại rừng phi lao bị phá huỷ, nhằm đảm bảo môi trường, cảnh quan theo quy định. Nhà đầu tư phải hoàn thành việc trồng lại rừng phi lao thì mới xem xét việc tiếp tục triển khai dự án, nếu không thực hiện thì sẽ báo cáo tỉnh Bình Định thu hồi dự án.

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cũng giao công an tỉnh chủ trì, phối hợp các cơ quan liên quan khẩn trương điều tra các đối tượng chặt phá, đốt rừng phi lao và xử lý nghiêm theo quy định pháp luật.

Điểm mặt loạt dự án 'băm nát' thiên nhiên, tận diệt tài nguyên - Ảnh 2Dự án Flamingo Cát Bà làm 'biến dạng' cảnh quan thiên nhiên

Hàng loạt các dự án đầu tư mang danh phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng nhưng sau đó lại biến thành các dự án nhà ở, biệt thự, khách sạn cao cấp... để kinh doanh, tối đa lợi nhuận.

Tại thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa, vụ việc núi Chín Khúc đã bị 'băm nát' bởi hàng loạt dự án du lịch sinh thái gây chấn động dư luận và gióng lên hồi chuông cảnh báo về tình trạng huỷ hoại môi trường vì lợi ích kinh tế.

Đáng chú ý, báo cáo tổng hợp của Sở KH-ĐT tỉnh Khánh Hòa cho biết, hiện có 5 dự án có hoạt động thi công tại khu vực, gồm: dự án sinh thái tâm linh Cửu Long Sơn Tự (513,3 ha), khu đô thị đồi Đất Lành (131 ha), biệt thự sông núi Vĩnh Trung (19,65 ha), dự án mở rộng phía tây khu dân cư Đất Lành (43,8 ha), và dự án biệt thự sinh thái Giáng Hương (19,63 ha).

Trong số các dự án được cấp phép tại khu vực núi Chín Khúc, dự án sinh thái tâm linh Cửu Long Sơn Tự (do Công ty TNHH Sản xuất và xây dựng Khánh Hòa đầu tư) có nhiều sai phạm. Chủ đầu tư chưa thực hiện xong việc lập quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500, chưa có báo cáo đánh giá tác động môi trường, chưa lập hồ sơ thiết kế… Thế nhưng nhà đầu tư này đã tiến hành san ủi với tổng diện tích 44 ha đất rừng, trong đó diện tích san ủi mở đường là 7 ha. Hậu quả là nhiều diện tích núi Chín Khúc đã bị san phẳng, cây xanh đã biến mất, trơ đá núi nham nhở.

Điểm mặt loạt dự án 'băm nát' thiên nhiên, tận diệt tài nguyên - Ảnh 3
Núi Chín Khúc đã bị san ủi, cây rừng bị đốn hạ tan tác để nhường đất cho các dự án.

Trong tình cảnh tương tự, năm 2018, tại Quảng Ninh, một loạt các quả đồi thông và rừng trồng tạo thành hình “con cá ngựa” nhìn ra mặt vịnh Hạ Long thuộc khu du lịch Bãi Cháy (TP.Hạ Long) cũng bị phá hủy, phân cấp cho hàng loạt các dự án bất động sản. Hàng chục dự án từ kinh doanh hạ tầng bất động sản đến xây dựng khách sạn đồng loạt thi công rầm rộ, san đồi, tàn phá hầu hết những vạt rừng thông và rừng trồng tạo thành những vết lở loét, nham nhở trông phản cảm, làm mất đi vẻ đẹp “trời cho” vốn có của thiên nhiên vịnh Hạ Long.

Tại các dự án, những quả đồi bị cạo gọt, cắt tầng để xây dựng các tuyến kè taluy, đường dẫn nhằm quy hoạch làm các căn hộ liền kề, biệt thự và khách sạn với tốc độ chóng mặt. Chính quyền Quảng Ninh đã ồ ạt cấp phép đầu tư cho những dự án này từ lâu, để rồi quá trình triển khai làm hạ tầng đã khiến cảnh quan tự nhiên bị hủy hoại nghiêm trọng. Việc xây dựng các khu nghỉ dưỡng, khách sạn và khu đô thị tập trung ở khu du kịch Bãi Cháy gia tăng nhanh chóng thời gian qua khiến nơi đây bị bêtông hóa dày đặc và chật chội.

Là một trong số dự án nghỉ dưỡng đình đám tại đảo Cát Bà, dự án Flamingo Cát Bà Beach & Resort do Tập đoàn Flamingo đầu tư đã và đang có hoạt động thi công xâm lấn, huỷ hoại cảnh quan thiên nhiên vốn có. Được biết, dự án này có quy mô diện tích 77.843m2 với vị trí đắc địa tại bãi biển đẹp nhất của Cát Bà. UBND Thành phố Hải Phòng mới chỉ chấp thuận chủ trương đầu tư dự án tổ hợp du lịch nghỉ dưỡng cao cấp và tháng 11/2017 mới cho thuê đất là 47.398 m2 (thời hạn thuê đất là 62 năm). Nhưng ngay lập tức, Flamingo đã vội vã khởi công, thi công xây dựng công trình tại đây dù chưa hoàn thiện các thủ tục pháp lý cần thiết. Đáng nói là, Flamingo đã xây dựng những đoạn kè lấn ra bãi biển và dần chiếm gần hết bãi biển Cát Cò 1, thay vì giữ nguyên trạng môi trường cảnh quan thiên nhiên tại đây.

Điểm mặt loạt dự án 'băm nát' thiên nhiên, tận diệt tài nguyên - Ảnh 4
“Siêu” dự án Flamingo Cát Bà Beach Resort có tổng diện tích đất là 47.398 m2 đã bạt núi, hạ cây xanh để xây khu nghỉ dưỡng cao cấp.

Đoàn thanh tra của Bộ TN&MT đã tiến hành thanh tra năm 2018 và kết luận chỉ ra nhiều vi phạm của chủ đầu tư Flamingo và các Sở, ngành của TP Hải Phòng trong việc cấp phép, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, ký quyết định thuê đất... Cụ thể, Flamingo đã tận thu đá trong quá trình san gạt tạo mặt bằng thi công dự án tại khu vực bãi tắm Cát Cò 2 không đúng nơi quy định (hiện công ty đã khắc phục xong). Doanh nghiệp này đã thực hiện không đúng chương trình quan trắc môi trường định kỳ (quan trắc không đúng tần suất đối với nước thải) theo quy định pháp luật.

Việc Tập đoàn Flamingo triển khai xây dựng dự án bất động sản ngay tại khu sinh quyển thế giới cũng đặt ra nhiều vấn đề về tác động, ảnh hưởng tới môi trường sinh thái, đặc biệt trước tình trạng doanh nghiệp này có các hoạt động thi công như xẻ núi, lấn biển... gây ảnh hưởng xấu tới môi trường, cảnh quan quần đảo Cát Bà.

Tại khu vực Hà Giang, đèo Mã Pì Lèng trở thành tâm điểm dư luận và báo chí thời gian qua khi tòa nhà bê tông Panorama với các chức năng nhà nghỉ, nhà hàng, quán cà phê... chễm chệ "mọc" trên đèo Mã Pì Lèng, phá hỏng cảnh quan của một trong tứ đại đèo nổi tiếng của Việt Nam.

Lãnh đạo huyện Mèo Vạc cho biết, nhà nghỉ Panorama nằm trên hẻm vực Tu Sản, được xây dựng từ năm 2018, đưa vào sử dụng đầu năm 2019 và do bà Vũ Ngọc Ánh (người địa phương) làm chủ đầu tư. Nhà cao 6 tầng, nằm thoải theo sườn đèo, có 5 ban công lớn để du khách ngắm cảnh. Lãnh đạo huyện lý giải, sở dĩ mọc lên công trình này là theo các nhà tư vấn, huyện Mèo Vạc cần kêu gọi đầu tư xây dựng điểm dừng chân ngắm vực Tu Sản để tạo điều kiện cho du khách tham quan. Tháng 3/2018, huyện Mèo Vạc được giao xây dựng điểm dừng chân ngắm hẻm Tu Sản với nguyên tắc sử dụng tối đa nguyên liệu tại chỗ, không phá vỡ cảnh quan khu vực.

Điểm mặt loạt dự án 'băm nát' thiên nhiên, tận diệt tài nguyên - Ảnh 5
Nhà hàng Panorama trên đỉnh đèo Mã Pì Lèng.

Tại Đà Nẵng, địa phương có tốc độ phát triển chóng mặt về dự án bất động sản, hạ tầng đô thị, người dân cũng rất bức xúc trước tình trạng môi trường cảnh quan thiên nhiên núi rừng, bãi biển bị "xẻ thịt", phân chia cho nhiều dự án. Khu vực bán đảo Sơn Trà nhiều năm qua là "điểm nóng" về tình trạng xẻ núi, chặt cây do có tới 18 dự án trên Bán đảo Sơn Trà được UBND TP Đà Nẵng phê duyệt, chấp thuận.

Trong số này, có 9 dự án lấy một phần diện tích là rừng tự nhiên với tổng diện tích là 163,32 ha nhưng chưa xác định trong phương án giao quản lý, bảo vệ rừng. Ngoài ra, UBND TP Đà Nẵng có văn bản lấy ý kiến của Bộ Quốc phòng, Bộ Tư lệnh Quân khu 5 về 2 dự án đầu tư tại đây nhưng chỉ có 1 dự án được Bộ Quốc phòng thống nhất, 1 dự án chưa có văn bản trả lời. Thế nhưng, Đà Nẵng vẫn giao đất, cho thuê đất để doanh nghiệp triển khai xây dựng dự án.

Kinh ngạc hơn, có tới 16/18 dự án mà UBND TP Đà Nẵng chưa có văn bản lấy ý kiến Bộ Quốc phòng; sau đó UBND thành phố Đà Nẵng không tổ chức rà soát để xử lý vi phạm. Qua rà soát, báo cáo của UBND TP Đà Nẵng, bước đầu xác định có 7 dự án được giao đất, cho thuê đất vi phạm về an ninh quốc phòng.

Từ thực tế trên, có thể thấy hàng loạt dự án bất động sản, hạ tầng giao thông được địa phương cho phép đầu tư, xây dựng nhưng có hoạt động vi phạm quy định pháp luật về sử dụng đất đai, vi phạm quy định về bảo vệ môi trường, xâm hại di sản thiên thiên, nguy cơ đe doạ tận diệt tài nguyên quốc gia. Những bài học đau xót về thiên nhiên bị huỷ hoại, không thể hồi phục được và để lại hậu quả lâu dài cho môi trường, môi sinh, liệu có đáng để đánh đổi lấy những lợi ích kinh tế hay không?

Bảo Khanh

Bạn đang đọc bài viết Điểm mặt loạt dự án 'băm nát' thiên nhiên, tận diệt tài nguyên. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới