Thứ năm, 25/04/2024 08:45 (GMT+7)
Thứ bảy, 27/02/2021 13:31 (GMT+7)

Chỉ huy trưởng nhóm 'đặc biệt' tại các 'trận địa nóng' chống COVID-19

Theo dõi KTMT trên

Mặc dù trải qua nhiều đợt dịch bùng phát nhưng Việt Nam đều nhanh chóng kiểm soát được dịch. Ổ dịch lớn tại Hải Dương cũng đang được kiểm soát. Thành công từ những đợt dịch này đã chứng tỏ “bí quyết” giúp Việt Nam chống dịch COVID-19.

Chỉ huy trưởng nhóm 'đặc biệt' tại các 'trận địa nóng' chống COVID-19 - Ảnh 1

TS.BS Ngũ Duy Nghĩa, “Chỉ huy trưởng” Sở chỉ huy đặc biệt truy vết F0. (Ảnh: VGP/Vũ Khoa)

Để có những “bí kíp” đó, chúng ta phải huy động hàng vạn chiến sĩ áo trắng, bộ đội, công an, giáo viên, sinh viên và người dân cùng đồng lòng tham gia chống dịch. Trong “trận chiến” chống giặc COVID-19, có một Sở chỉ huy đặc biệt được thành lập theo chỉ đạo của Bộ Y tế nhằm thực hiện điều tra, truy vết, giám sát dịch tễ ngay trong lòng “trận chiến”. Đây là một trong những biện pháp vô cùng quan trọng nhằm nhanh chóng khoanh vùng nguồn lây, dập dịch thành công.

Chỉ huy trưởng nhóm “đặc biệt” thuộc Sở chỉ huy này đã từng tham gia những ổ dịch phức tạp, nguy hiểm nhất, những trọng điểm dịch COVID-19 trên cả nước, như Sơn Lôi (Vĩnh Phúc), BV Bạch Mai (Hà Nội), Hạ Lôi (Hà Nội), Đà Nẵng, Bình Thuận và 2 lần tại Hải Dương. Đó là TS.BS Ngũ Duy Nghĩa, Trưởng khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Trưởng nhóm điều tra, truy vết, giám sát, phân tích đánh giá và nhận định tình hình dịch.

“Trực chiến” xuyên Tết

Kể từ khi dịch bùng phát tại Hải Dương (ngày 27/1, tức ngày 15 tháng Chạp), TS.BS Ngũ Duy Nghĩa cùng nhiều đồng nghiệp của mình đã chống dịch xuyên Tết, cho đến nay đã tròn 1 thángchưa được về thăm nhà.

Với vai trò là Trưởng nhóm điều tra, truy vết, giám sát, phân tích đánh giá tình hình dịch, công việc của TS.BS Ngũ Duy Nghĩa cùng cộng sự ngay khi đặt chân đến trọng điểm dịch là thiết lập, tổ chức, củng cố nhanh bộ phận giám sát. Huy động các lực lượng tăng cường, nòng cốt là các cán bộ thuộc Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh và các giáo viên, sinh viên tình nguyện của các trường y dược, để thực hiện hoạt động điều tra, truy vết. Ngay sau đó, tổ chức tập huấn để thần tốc điều tra, truy vết triệt để, chuyển thông tin xuống thực địa, địa bàn để tổ chức cách ly nguồn lây, lấy mẫu và xử lý ổ dịch kịp thời, không để dịch tiếp tục lan ra cộng đồng.

“Một công việc đóng vai trò quan trọng của chúng tôi là quản lý, xử lý số liệu dịch tễ, xét nghiệm phân tích, đánh giá nguy cơ và nhận định tình hình. Từ đó, chỉ ra các điểm nóng của dịch, phân tích các nhóm nguy cơ, chỉ định các đối tượng, khu vực cần lấy mẫu bệnh phẩm ngay, đáp ứng chống dịch và chỉ định các nhóm người, khu vực cần lấy mẫu xét nghiệm để đánh giá, nhận định diễn biến dịch. Trên cơ sở đó giúp tham mưu, định hướng cho Ban chỉ đạo phòng chống dịch của tỉnh ra quyết định chỉ đạo các biện pháp chống dịch, đặc biệt là thực hiện khoanh vùng, phong toả, giãn cách xã hội và cách ly y tế phù hợp đảm bảo mục tiêu kép vừa chống dịch quyết liệt, triệt để vừa phát triển kinh tế xã hội”, TS.BS Ngũ Duy Nghĩa nhấn mạnh.

Chỉ huy trưởng nhóm 'đặc biệt' tại các 'trận địa nóng' chống COVID-19 - Ảnh 2

Kiểm tra, hướng dẫn lực lượng sinh viên tăng cường lấy mẫu diện rộng tại TP. Chí Linh, Hải Dương. (Ảnh: VGP/Vũ Khoa)

Tham gia hầu hết vào các "mặt trận" nóng nhất của dịch COVID-19 trên cả nước, TS.BS Ngũ Duy Nghĩa chia sẻ, chống dịch tại Hải Dương lần này là một chuyến công tác đặc biệt, không chỉ riêng cá nhân anh mà của rất nhiều đồng nghiệp, anh em trong đoàn công tác. Mọi người xuất phát xuống Hải Dương đúng ngày 15 tháng Chạp năm Canh Tý và chống dịch xuyên Tết cho đến nay đã tròn 1 tháng.

Các anh đón Giao thừa năm mới Tân Sửu ngay tại nơi tổ chức cách ly và điều trị cho bệnh nhân mắc COVID-19, cùng với cán bộ, thầy cô, đồng nghiệp tại Trường ĐH Kỹ thuật y tế Hải Dương. Một đêm giao thừa không ngủ, mọi người đều cầu mong một năm mới sẽ mang nhiều may mắn, sớm đẩy lùi và dập tắt được dịch.

“Mỗi chúng tôi vẫn luôn tỏ ra cứng rắn để hoàn thành tốt nhiệm vụ, để mọi người yên tâm, nhưng trong lòng ai cũng rất nhớ nhà, nhớ bố mẹ và vợ con, nhớ những đêm giao thừa ấm cúng bên gia đình”, anh Nghĩa xúc động.

Nhanh chóng và dứt khoát

Tham gia tuyến đầu chống dịch COVID-19, TS.BS Ngũ Duy Nghĩa kể về kinh nghiệm chia nhỏ điều tra và truy vết ngay lập tức khi nhận được thông tin xét nghiệm ca bệnh dương tính.

Mỗi nhóm gồm 1 cán bộ có kinh nghiệm của Trung tâm kiểm soát bệnh tật Hải Dương và 3 sinh viên phụ trách điều tra, truy vết tối đa 5 ca bệnh. Các nhóm này phải điều tra được các mốc dịch tễ là những địa điểm, sự kiện mà bệnh nhân đã từng có mặt. Khi có các mốc dịch tễ này cần chuyển bộ phận quản lý phân tích số liệu để gửi ngay lập tức xuống các địa bàn liên quan để xử lý, truy vết, cách ly và lấy mẫu các trường hợp liên quan để đảm bảo tốc độ khoanh vùng nguồn lây. Nhóm quản lý, phân tích số liệu gồm các cán bộ có kinh nghiệm của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương và Trung tâm kiểm soát bệnh tật của các tỉnh sẽ phân tích, đánh giá nguy cơ thường xuyên, từ đó đưa ra nhận định tình hình dịch kịp thời, để báo cáo, tham mưu cho Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 của địa phương đưa ra quyết định đáp ứng kịp thời với tình hình dịch.

Chỉ huy trưởng nhóm 'đặc biệt' tại các 'trận địa nóng' chống COVID-19 - Ảnh 3

Kiểm tra, chỉ đạo xử lý ổ dịch quy mô xã tại TP. Đà Nẵng. (Ảnh: VGP/Hiền Minh)

“Trong truy vết, theo dấu ca bệnh phải áp dụng nhiều biện pháp công nghệ, thường xuyên chia sẻ và trao đổi với lực lượng chức năng để phối hợp xác minh, bổ xung thông tin là rất quan trọng, hiệu quả, giúp kết quả điều tra truy vết một cách triệt để và thần tốc”, TS.BS Ngũ Duy Nghĩa cho biết.

Xông pha "mặt trận" chống dịch với quyết tâm thần tốc để chiến thắng, nhưng có lẽ cũng giống như nhiều đồng nghiệp của anh, nhiều người dân, sự lo lắng là điều không tránh khỏi trước một dịch bệnh mới, rất nguy hiểm.

"Chống dịch không bao giờ dễ dàng, đơn giản. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng đã từng nói, "chống dịch như chống giặc". Giặc còn nhìn thấy được, còn virus thì mắt thường không thể nhìn thấy nên khó khăn hơn rất nhiều", anh Nghĩa chia sẻ.

Tuy nhiên, sự vào cuộc đồng bộ và quyết liệt của cả hệ thống chính trị, có sự đồng lòng, ủng hộ to lớn của nhân dân, có gia đình và bạn bè luôn dõi theo động viên... là động lực giúp anh Nghĩa cũng như hàng nghìn người đang tham gia tuyến đầu chống dịch giữ vững được tinh thần “chân cứng đá mềm” vượt qua thử thách.

“Mỗi ổ dịch cho chúng tôi một bài học quý và được đúc kết thành hướng dẫn, chỉ đạo chống dịch hiệu quả. Đây là những bài học thực tiễn mà trong sách vở không bao giờ có được”.

Chỉ huy trưởng nhóm 'đặc biệt' tại các 'trận địa nóng' chống COVID-19 - Ảnh 4

Bí thư tỉnh ủy Hải Dương cùng đoàn công tác của Bộ Y tế tại Hải Dương đi kiểm tra thực địa. (Ảnh: VGP/Vũ Khoa)

Tổ COVID cộng đồng: Cánh tay nối dài giữa người dân và chính quyền

Bên cạnh sự quyết liệt của lực lượng phòng, chống dịch thì sự vào cuộc của toàn thể nhân dân là vô cùng quan trọng trong chống dịch. Phòng chống dịch COVID-19 đã đến từng nhà, từng người dân mang lại hiệu quả lớn mà không phải quốc gia nào cũng có được.

TS. BS Ngô Duy Nghĩa trân trọng và cảm ơn các tổ COVID cộng đồng gồm chính những người dân tại vùng dịch tham gia chống dịch bảo vệ quê hương, làng xóm của mình. Tổ COVID cộng đồng là cánh tay nối dài kết nối giữa người dân trong cộng đồng với chính quyền, cơ quan chuyên môn, giúp giám sát toàn diện và triển khai chống dịch hiệu quả tại cộng đồng”.

Đây là giải pháp mang tính căn cơ, lâu dài góp phần quan trọng giúp chính quyền và cơ quan chuyên môn giám sát chặt chẽ, phát hiện sớm và xử lý kịp thời, không cho dịch có cơ hội phát triển lây lan, tạo điều kiện thực hiện mục tiêu kép phòng chống dịch và phát triển kinh tế xã hội.

Lần nào đi chống dịch cũng ngót nghét cả tháng trời, anh Nghĩa chia sẻ, vợ con cũng quen dần và luôn động viên.

“Đến hôm nay, dường như mong ước của tôi vào đêm giao thừa năm mới Tân Sửu đang dần thành hiện thực. Hải Dương sẽ sớm đẩy lùi và dập tắt được dịch. Mọi người sẽ được đoàn tụ với gia đình nhỏ ấm áp của mình”, một mong ước rất đỗi thân thương và cao cả từ tấm chân tình của người chiến sĩ áo trắng với nhân ngày 27/2.

Thúy Hà

Bạn đang đọc bài viết Chỉ huy trưởng nhóm 'đặc biệt' tại các 'trận địa nóng' chống COVID-19. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tổng Thư ký ASEAN: Việt Nam có tầm nhìn xa, trông rộng
Theo Tổng Thư ký ASEAN, Việt Nam có tầm nhìn xa, trông rộng và với vị thế là thành viên chủ chốt của ASEAN, Việt Nam có thể đóng một vai trò tiên phong trong một số lĩnh vực, Diễn đàn Tương lai ASEAN có thể phát huy vai trò tiên phong trên nhiều cấp độ.
Hà Tĩnh khai mạc lễ hội du lịch biển năm 2024
Tối 21/4, tại quảng trường Hồ Tùng Mậu (Khu du lịch Thiên Cầm, Cẩm Xuyên), UBND tỉnh Hà Tĩnh đã long trọng tổ chức khai mạc lễ hội du lịch biển năm 2024 với chủ đề “Hà Tĩnh – Thanh âm ngày nắng mới”.

Tin mới

WB: Kinh tế Việt Nam đang hồi phục tăng trưởng
Theo Báo cáo cập nhật kinh tế 6 tháng Điểm lại mới nhất của Ngân hàng Thế giới (WB) được công bố ngày 23/4, Kinh tế Việt Nam đang có những tín hiệu phục hồi khác nhau, với dự báo tăng trưởng sẽ đạt 5,5% vào năm 2024 và tăng dần lên 6,0% vào năm 2025.