Thứ sáu, 19/04/2024 08:37 (GMT+7)
Thứ năm, 17/11/2022 21:55 (GMT+7)

Cập nhật tin tức môi trường nổi bật ngày 17/11

Theo dõi KTMT trên

Miền Trung, Nam Bộ đón đợt mưa lớn kéo dài; Cơ sở bảo tồn gấu Ninh Bình đánh dấu 5 năm chuyến cứu hộ gấu đầu tiên; Châu Á - Thái Bình Dương vượt qua toàn cầu trong giảm phát thải carbon... là những tin tức môi trường nổi bật hôm nay.

Miền Trung, Nam Bộ đón đợt mưa lớn kéo dài

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết, do ảnh hưởng của không khí lạnh kết hợp với nhiễu động trong đới gió Đông nên từ 19-22/11, khu vực Trung và Nam Trung Bộ (các tỉnh Quảng Trị đến Bình Thuận), khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ có khả năng xuất hiện một đợt mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to. Lượng mưa phổ biến cả đợt từ 100-300mm, có nơi trên 300mm.

Do mưa lớn kéo dài, nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại khu vực vùng núi và ngập úng tại các khu vực trũng, thấp. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.

Cập nhật tin tức môi trường nổi bật ngày 17/11 - Ảnh 1
Do ảnh hưởng của không khí lạnh kết hợp với nhiễu động trong đới gió Đông nên từ 19-22/11, khu vực Trung và Nam Trung Bộ, khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ có khả năng xuất hiện một đợt mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to.

Tại các tỉnh Thanh Hóa đến Quảng Bình, từ ngày 20-25/11 cũng có mưa rào và dông rải rác, cục bộ có mưa to.

Tại Bắc Bộ ngày mai (18/11), tiếp tục duy trì thời tiết nhiều mây, sáng sớm có sương mù và sương mù nhẹ rải rác, trưa chiều trời nắng, riêng vùng núi Bắc Bộ có mưa rào rải rác và có nơi có dông, cục bộ có mưa vừa, mưa to.

Từ đêm mai đến 19/11, do ảnh hưởng của một đợt không khí lạnh yếu lệch đông nên miền Bắc có mưa rào rải rác và có nơi có dông, vùng núi cục bộ có mưa vừa, mưa to.

Dự báo sau đó, từ 20-21/11, miền Bắc ít mưa. Từ khoảng ngày 22-23/11, không khí lạnh tiếp tục được tăng cường xuống miền Bắc. Do ảnh hưởng của không khí lạnh kết hợp vùng hội tụ gió trên cao nên từ 22-25/11, miền Bắc có mưa rào rải rác và có nơi có dông. Trong mưa dông đề phòng lốc sét, mưa đá và gió giật mạnh.

Cần có phương án xử lý hiện tượng cá chết bất thường trên hồ Tây (Hà Nội)

Sáng 17/11, hiện tượng cá chết bất thường tại Hồ Tây (Hà Nội) lại tiếp tục diễn ra quanh khu vực các tuyến phố Vệ Hồ, Trích Sài, Quảng An… ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân.

Tình trạng cá chết đã diễn ra trong vài ngày qua. Đáng chú ý, đây không phải lần đầu tiên tình trạng cá chết hàng loạt xuất hiện ở hồ Tây. Vào tháng 10, tình trạng cá chết bất thường cũng đã xảy ra, UBND quận Tây Hồ (Hà Nội) đã có văn bản đề nghị các Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo các đơn vị chức năng có phương án xử lý, giải quyết tình trạng cá chết nhiều trên hồ Tây, cũng như tiến hành quan trắc bảo đảm chất lượng môi trường mặt nước. 

Theo các công nhân môi trường, cá tại hồ Tây chết rải rác ở rất nhiều khu vực như Quảng An, Vệ Hồ, Trích Sài, Nguyễn Đình Thi, ... khiến công việc thu gom và làm sạch mặt hồ mất nhiều thời gian và khó khăn hơn. Ngoài cá, các công nhân môi trường cũng vớt được rất nhiều rác, túi ni-long, vỏ chai ném xuống hồ bởi sự vô ý thức của người dân và du khách. 

Dù cá mè chết đã bắt đầu phân hủy, bốc mùi khó chịu nhưng các công nhân phải trực tiếp dùng tay bốc đưa vào bao tải trước khi đem đi xử lý. Đáng nói, hiện tượng cá chết bất thường tại Hồ Tây vốn không còn xa lạ với người dân thủ đô, nhiều ý kiến cho rằng các cơ quan chức năng cần sớm đưa ra những phương án làm rõ và xử lý hiện tượng này một cách triệt để hơn. 

Tăng cường hợp tác thực hiện Cơ chế Tín chỉ chung JCM

Trong khuôn khổ Hội nghị COP27 đang diễn ra tại Ai Cập, Bộ Môi trường Nhật Bản đã tổ chức Cuộc họp cấp cao với các đối tác tham gia Cơ chế Tín chỉ chung JCM.

Cơ chế JCM do Chính phủ Nhật Bản đề xuất nhằm triển khai hợp tác song phương với các quốc gia đang phát triển. Hoạt động chính là phổ biến công nghệ, sản phẩm, hệ thống, dịch vụ ít phát thải carbon của Nhật Bản và tiến hành các hành động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, đóng góp cho sự phát triển bền vững của các nước đang phát triển. Các doanh nghiệp tham gia thực hiện dự án giảm phát thải/hấp thụ khí nhà kính trên cơ sở tự nguyện. Doanh nghiệp từ các quốc gia chủ nhà sẽ được Chính phủ Nhật Bản tài trợ một phần kinh phí để thực hiện dự án. Tín chỉ carbon thu được từ dự án được phân chia theo thỏa thuận thống nhất giữa các bên tham gia thực hiện dự án.

Cập nhật tin tức môi trường nổi bật ngày 17/11 - Ảnh 2
Nhiều dự án JCM lớn đã được phê duyệt, trong đó có dự án giảm phát thải khí Metan từ rác thải tại Việt Nam.

Phát biểu tại Cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Môi trường Nhật Bản Akihiro Nishimura cho biết: Năm 2023 là kỉ niệm 10 năm Cơ chế JCM. Thời điểm Nhật Bản khởi xướng Cơ chế JCM năm 2013, quốc gia đầu tiên tham là Mông Cổ. Từ đó đến nay, Cơ chế đã tạo lập được 213 dự án, góp phần giảm phát thải khí nhà kính tại các quốc gia đối tác. Gần đây, nhiều dự án JCM lớn đã được phê duyệt, trong đó có dự án giảm phát thải khí Metan từ rác thải tại Việt Nam.

Việt Nam đã triển khai Cơ chế JCM từ năm 2013. Đến nay, Ủy ban hỗn hợp Nhật Bản - Việt Nam về thực hiện Cơ chế JCM đã họp 8 phiên để phê duyệt 15 phương pháp luận, đăng ký 14 dự án, cấp tín 4.415 chỉ carbon (tương đương với 4.415 tấn CO2 cắt giảm được so với lượng phát thải khí nhà kính khi chưa có dự án).

Cơ sở bảo tồn gấu Ninh Bình đánh dấu 5 năm chuyến cứu hộ gấu đầu tiên

Ngày 17/11, Cơ sở bảo tồn gấu Ninh Bình tổ chức Chương trình kỷ niệm 5 năm chuyến cứu hộ gấu đầu tiên, đánh dấu bước tiến quan trọng trong nỗ lực giải cứu và chăm sóc các cá thể gấu đã từng bị lấy mật, cung cấp nơi ở an toàn trong môi trường bán hoang dã.

Với sự hỗ trợ tài chính và kỹ thuật của tổ chức Four Paws Quốc tế, năm 2016, Cơ sở bảo tồn gấu Ninh Bình được xây dựng. Đến tháng 11/2017, tại Ninh Bình, Thái Vân, Thái Giang, Nhí Nhố là 3 cá thể gấu nuôi nhốt đầu tiên được giải cứu đưa về chăm sóc tại đây. Đó chính là sự kiện đánh dấu bước tiến quan trọng của Four Paws trong nỗ lực giải cứu và chăm sóc các cá thể gấu đã từng bị lấy mật; cung cấp nơi ở an toàn trong môi trường bán hoang dã, giúp các cá thể gấu này phục hồi tập tính tự nhiên sau nhiều năm bị nuôi nhốt trong chuồng cũi chật hẹp.

Hàn Quốc dành 2,72 triệu USD cho quỹ quốc tế để thích ứng với biến đổi khí hậu

Hãng thông tấn Yonhap cho biết, Hàn Quốc sẽ đóng góp 3,6 tỷ won (2,72 triệu USD) cho một quỹ quốc tế nhằm giúp các nước đang phát triển thích ứng với tác động của biến đổi khí hậu.

Hàn Quốc đưa ra tuyên bố này tại cuộc đối thoại cộng tác viên cấp cao của Quỹ Thích ứng diễn ra ở Ai Cập, bên lề Hội nghị thượng đỉnh về Biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc lần thứ 27 (COP27). Quỹ Thích ứng được thành lập năm 2001 theo Nghị định thư Kyoto của Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu.

Bộ Tài chính Hàn Quốc cho biết, theo lộ trình, Hàn Quốc sẽ đóng góp 1,2 tỷ won/năm cho Quỹ Thích ứng trong liên tục 3 năm kể từ năm 2023. Đây là khoản đóng góp đầu tiên của Hàn Quốc vào Quỹ Thích ứng.

Quỹ này sẽ tài trợ cho các dự án và chương trình tại cộng đồng các nước đang phát triển rất dễ bị tổn thương bởi các tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu. Kể từ năm 2010 đến nay, Quỹ đã cam kết hỗ trợ 923,5 triệu USD cho các dự án và chương trình, trong đó có 132 dự án cụ thể.

Cập nhật tin tức môi trường nổi bật ngày 17/11 - Ảnh 3
Hàn Quốc sẽ đóng góp 3,6 tỷ won (2,72 triệu USD) cho một quỹ quốc tế nhằm giúp các nước đang phát triển thích ứng với tác động của biến đổi khí hậu.

Hàn Quốc đã và đang tham gia vào các nỗ lực quốc tế để ứng phó với biến đổi khí hậu. Tháng 10/2022, phát biểu tại một hội nghị về đối thoại bền vững ở khu vực Thái Bình Dương, Thủ tướng Han Duck-soo cho biết, Hàn Quốc sẽ thúc đẩy tài trợ nhằm hỗ trợ các nước đang phát triển giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu.

Châu Á - Thái Bình Dương vượt qua toàn cầu trong giảm phát thải carbon

Bên lề Hội nghị Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP27) tại Ai Cập, ngày 15/11, PwC đã cho ra mắt ấn phẩm về báo cáo chỉ số Net Zero các quốc gia, trong đó có nhiều thông tin như: Châu Á - Thái Bình Dương đang dẫn đầu trong cuộc đua giảm phát thải carbon. Dẫu vậy, con đường từ giảm phát thải 1,2% như hiện tại tới con số mục tiêu 15,2% mỗi năm vẫn là rất xa.

Việt Nam và New Zealand là 2 nền kinh tế duy nhất vượt qua mục tiêu giảm phát thải khí carbon dựa trên mục tiêu đóng góp quốc gia tự quyết định (NDC). Tuy nhiên Việt Nam vẫn được xếp vào nhóm các quốc gia phụ thuộc vào than đá. Báo cáo cũng phân tích tác động của sự tăng giá và khủng hoảng nguồn cung ảnh hưởng như thế nào đến việc đầu tư vào năng lượng tái tạo.

Báo cáo cho thấy, Châu Á - Thái Bình Dương dẫn đầu trong nỗ lực giảm phát thải carbon so với toàn cầu với tỉ lệ 1,2% so với 0,5% trong năm 2021. Tuy nhiên, mức giảm này vẫn kém xa so với mức cần thiết để hạn chế nhiệt độ nóng lên toàn cầu 1,5°C, vốn đòi hỏi tỉ lệ giảm phát thải carbon là 15,2% mỗi năm.

“Các nền kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương đã thực hiện lộ trình giảm phát thải carbon của riêng mình - một số quốc gia đạt được sự nhất quán hơn những quốc gia khác. Các chính phủ trong khu vực cần tăng cường đáng kể các mục tiêu đóng góp quốc gia tự quyết định (NDC) cho năm 2030 và xa hơn nữa”, báo cáo khẳng định.

Châu Á - Thái Bình Dương vượt trội hơn so với các khu vực khác trên toàn cầu trong năm 2021 với tỷ lệ giảm phát thải carbon là 1,2% so với 0,5%, trong nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính từ tăng trưởng kinh tế mặc dù đang đối mặt với nhiều trở ngại.

Nghiên cứu Chỉ số Net Zero các nền kinh tế năm 2022 của PwC cho thấy khu vực Châu Á - Thái Bình Dương đạt tỷ lệ giảm phát thải khí carbon trung bình 1,2% vào năm 2021. Điều này cho thấy lượng khí thải CO2 liên quan đến năng lượng trên một đơn vị tổng sản phẩm quốc nội (GDP) được tạo ra đang giảm. Trong khi đó, nỗ lực giảm phát thải carbon của thế giới là 0,5%, một khoảng cách lớn so với tỷ lệ giảm phát thải carbon 15,2% cần thiết để hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức 1,5°C so với mức thời kỳ tiền công nghiệp.

Nghiên cứu của PwC theo dõi tiến độ của các quốc gia trong việc giảm lượng khí thải CO2 liên quan đến năng lượng và giảm phát thải khí carbon tại quốc gia đó. Nghiên cứu đo lường mức độ tiêu thụ năng lượng so với GDP và hàm lượng carbon của năng lượng đó. Nghiên cứu cho thấy 9 trong số 13 nền kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương đã giảm phát thải carbon vào năm 2021, tuy nhiên, chỉ có hai nền kinh tế - New Zealand và Việt Nam - vượt qua mục tiêu giảm phát thải khí carbon dựa trên mục tiêu đóng góp quốc gia tự quyết định (NDC). New Zealand giảm cường độ carbon nhiều nhất ở mức 6,7% vào năm 2021, tiếp theo là Malaysia (4,0%), Việt Nam (3,4%) và Australia (3,3%).

Lan Anh

Bạn đang đọc bài viết Cập nhật tin tức môi trường nổi bật ngày 17/11. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Huy động thêm 400 người tham gia chữa cháy rừng tại Cà Mau
Tỉnh Cà Mau đã huy động thêm 400 người tham gia cháy rừng tại Nông trường 402, xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời. Đến khoảng gần 3 giờ ngày 11/4, đám cháy cơ bản được khống chế, không để xảy ra cháy lan ra khu vực lân cận.

Tin mới