Thứ sáu, 29/03/2024 04:36 (GMT+7)
Thứ tư, 24/08/2022 17:55 (GMT+7)

Cập nhật tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất ngày 24/8

Theo dõi KTMT trên

HoSE trả lời về khả năng đình chỉ giao dịch FLC; Tỷ phú chi 1 tỷ USD để cứu thị trường tiền mã hóa... là những tin tức kinh tế nổi bật ngày 24/8.

Gần 110 doanh nghiệp ở Đồng Nai nợ thuế hơn 600 tỷ đồng

Ngày 24/8, Cục Thuế tỉnh Đồng Nai cho biết đã công bố danh sách gần 110 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh nợ thuế (tính đến đầu tháng Tám vừa qua) với số tiền hơn 600 tỷ đồng.

Việc công khai thông tin là do các doanh nghiệp nợ thuế trên 90 ngày, không chấp hành quyết định xử phạt hành chính của cơ quan thuế.

Trong danh sách doanh nghiệp nợ thuế nêu trên, loại hình doanh nghiệp trong nước chiếm gần 80%, số còn lại là doanh nghiệp FDI; các doanh nghiệp này hoạt động trong nhiều lĩnh vực như xây dựng, bất động sản, vận tải. Trong số đó có khoảng 40 doanh nghiệp nợ với số tiền từ hơn 1 tỷ đồng đến trên 100 tỷ đồng.

Đứng đầu là Công ty Trịnh Phong Giang (huyện Cẩm Mỹ) nợ hơn 100 tỷ đồng, Công ty cồn Tùng Lâm (huyện Xuân Lộc) nợ trên 96 tỷ đồng, Công ty Khu đô thị Phú Hội (huyện Nhơn Trạch) nợ hơn 78 tỷ đồng. Ngoài ra, còn một số doanh nghiệp nợ với thời gian dài, số tiền lớn, khi ngành thuế áp dụng các biện pháp mạnh thì doanh nghiệp khắc phục một phần, rồi tiếp tục nợ.

Nguyên nhân tình trạng nợ thuế là do doanh nghiệp sản xuất kinh doanh gặp khó khăn, thua lỗ. Sau khi công khai thông tin, ngành thuế sẽ tiếp tục thực hiện các giải pháp để thu hồi nợ như cưỡng chế tài khoản ngân hàng, cưỡng chế hóa đơn.

Cập nhật tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất ngày 24/8 - Ảnh 1
Gần 110 doanh nghiệp ở Đồng Nai nợ thuế hơn 600 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Toàn Thắng, Phó Cục Trưởng phụ trách Cục Thuế tỉnh Đồng Nai cho biết gần 3 năm qua, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên nhiều doanh nghiệp ở Đồng Nai phải hoạt động cầm chừng, sản xuất bị đình trệ. Nhiều doanh nghiệp nợ thuế với số tiền lớn song có thiện chí khắc phục, ngành thuế tạo điều kiện để doanh nghiệp phục hồi, phát triển sản xuất, giúp họ có cơ hội thực hiện nghĩa vụ thuế với Nhà nước.

Để chống thất thu thuế, đặc biệt là tình trạng doanh nghiệp nợ kéo dài, tới đây ngành thuế Đồng Nai sẽ tập trung đánh giá, phân tích, sàng lọc và tiến hành thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp có rủi ro cao về thuế, đặc biệt là doanh nghiệp có số hoàn thuế lớn.

Cùng với đó là rà soát, đôn đốc việc kê khai, nộp thuế của các tổ chức, cá nhân, phát hiện kịp thời các trường hợp kê khai không đúng, không đủ số thuế phải nộp vào ngân sách Nhà nước để có biện pháp thu hồi kịp thời, kiên quyết xử lý doanh nghiệp không nộp, chậm nộp hồ sơ khai thuế.

Tỷ phú chi 1 tỷ USD để cứu thị trường tiền mã hóa

Theo Wall Street Journal, tỷ phú Sam Bankman-Fried mới đây đã thông báo sẽ bỏ ra 1 tỷ USD để cứu vãn thị trường tiền mã hóa. Các nhà đầu tư đang theo dõi sát sao mọi động thái của vị cứu tinh này.

Trước đó, cũng trong năm 2022, vị tỷ phú này đã từng tung ra nhiều khoản vay khẩn cấp trị giá hàng trăm triệu USD để cứu trợ các công ty cùng ngành trước bờ vực phá sản. Đồng thời giám đốc điều hành của FTX Trading cũng tham gia vào các hoạt động truyền thông để gây dựng niềm tin vào thị trường tiền mã hóa của các nhà đầu tư.

Ông Bankman-Fried cho biết mục tiêu cuối cùng của mình là làm cho tiền mã hóa được tiếp nhận ở khắp mọi nơi. Ông muốn biến FTX trở thành một cái tên quen thuộc với đại chúng, trở thành một lựa chọn đầu tư phổ biến như chứng khoán hay trái phiếu trên thị trường.

Chính vì vậy, khi thị trường tiền mã hóa gặp khó, vị tỷ phú này đã không ngại ngần hỗ trợ các công ty cùng ngành vượt qua suy thoái. Mặc dù không phải tất cả hành động của ông đều thành công, nhưng chúng đều mang lại hiệu quả tích cực đối với thị trường và với cả FTX.

Cũng giống như các sàn giao dịch tiền mã hóa khác, hoạt động kinh doanh cốt lõi của FTX là cung cấp nền tảng và dịch vụ cho những nhà đầu tư tiền số. Với chiến lược phát triển vượt bậc, chỉ trong vòng 3 năm, FTX đã trở thành sàn giao dịch lớn thứ 3 trên thế giới, với giá trị giao dịch vào khoảng 9,4 tỷ USD mỗi ngày.

Cập nhật tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất ngày 24/8 - Ảnh 2
Tỷ phú chi 1 tỷ USD để cứu thị trường tiền mã hóa.

Theo CoinGecko, FTX đã đạt doanh thu 1,02 tỷ USD và lợi nhuận ròng 388 triệu USD vào năm ngoái. Điều này có nghĩa là ông Bankman-Fried vẫn có lãi ngay cả khi thị trường rơi vào khủng hoảng. Chia sẻ về điều này, ông cho rằng những ngày tháng khó khăn nhất của tiền điện tử đã qua, Bitcoin đang trên đà hồi phục và đây là thời điểm hợp lí để mở rộng FTX.

Chính vì vậy, sau khi nhận được lời đề nghị giúp đỡ từ BlockFi - một công ty cho vay tiền kỹ thuật số, ông Bankman-Fried và những người cộng sự đã lên kế hoạch thu mua ngay lập tức. BlockFi trước đó đã bị ảnh hưởng bởi sự sụp đổ của đồng Luna và một loạt công ty cùng ngành khác, khiến cho thanh khoản công ty giảm mạnh và đối mặt với nguy cơ phá sản.

Trong thỏa thuận được công bố vào ngày 1/7, FTX đã đồng ý cho BlockFi vay 400 triệu USD với điều kiện sẽ mua lại công ty này với mức giá 240 triệu USD. Theo PitchBook, đây là một sự thiệt thòi đối với BlockFi khi công ty này được định giá 4,75 tỷ USD vào năm 2021.

Giám đốc điều hành BlockFi, ông Zac Prince cũng chia sẻ rằng "đây không phải là một thỏa thuận như mong đợi", tuy nhiên ông Prince cũng cho biết lần thu mua này sẽ giúp BlockFi phát triển hơn nữa. Đồng thời, ông Prince cảm thấy hài lòng vì FTX là bên mua duy nhất đặt quyền lợi của khách hàng lên hàng đầu khi đồng ý hoàn trả đầy đủ tiền gửi của khách hàng mà không mất phí.

Còn với ông Bankman-Fried, đây là những bước đầu tiên trong công cuộc biến FTX thành một "siêu thị tài chính", với đủ loại dịch vụ từ cho vay đến thanh toán.

HoSE trả lời về khả năng đình chỉ giao dịch FLC

Sau khi nhận được công văn của FLC giải trình về lộ trình trình khắc phục các vi phạm dẫn đến khả năng bị đình chỉ giao dịch, HoSE vừa có phản hồi tới doanh nghiệp này. FLC tiếp tục đối mặt với khả năng bị đình chỉ giao dịch.

Văn bản HoSE nêu rõ, ngày 16/8, Sở đã có công văn thông báo với FLC về khả năng cổ phiếu FLC bị đình giao dịch nếu công ty tiếp tục vi phạm các quy định về công bố thông tin và đề nghị công ty có văn bản giải trình về lộ trình tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên cũng như việc lựa chọn đơn vị kiểm toán báo cáo tài chính (BCTC) năm 2022.

Đến ngày 18/8, HoSE đã nhận được công văn giải trình về lộ trình trình khắc phục các vi phạm của FLC. Theo đó, công ty dự kiến tổ chức họp Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2022 vào tháng 11/2022 để thông qua việc lựa chọn đơn vị kiểm toán thực hiện kiểm toán và soát xét các BCTC năm 2022.

Cập nhật tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất ngày 24/8 - Ảnh 3
HoSE trả lời về khả năng đình chỉ giao dịch FLC.

Như vậy, FLC có khả năng không công bố thông tin (CBTT) BCTC soát xét bán niên năm 2022 đúng hạn (hạn công bố thông tin là ngày 29/8/2022). Việc chậm công bố thông tin BCTC soát xét bán niên năm 2022 là hành vi tiếp tục vi phạm các quy định về công bố thông tin trên thị trường chứng khoán, sau khi đã bị đưa vào diện hạn chế giao dịch.

Căn cứ quy định tại điểm c khoản 1 Điều 41 Quy chế Niêm yết và giao dịch chứng khoán niêm yết ban hành theo Quyết định số 17/QĐ-HĐTV ngày 31/03/2022 của Hội đồng Thành viên HoSE, cổ phiếu FLC sẽ vào diện đình chỉ giao dịch nếu Tập đoàn FLC tiếp tục vi phạm quy định công bố thông tin BCTC soát xét bán niên năm 2022 hoặc các quy định về công bố thông tin khác.

Trong trường hợp, FLC kịp khắc phục, thì căn cứ quá trình khắc phục của công ty, HoSE sẽ xem xét đưa ra khỏi diện đình chỉ giao dịch theo quy định tại khoản 4 Điều 41 Quy chế Niêm yết và giao dịch chứng khoán niêm yết: “Sở giao dịch chứng (SGDCK) khoán sẽ xem xét đưa chứng khoán ra khỏi diện đình chỉ giao dịch hoặc đưa vào diện cảnh báo hoặc kiểm soát hoặc hạn chế giao dịch, sau khi xem xét giải trình, kết quả khắc phục của tổ chức niêm yết.

Đối với trường hợp quy định tại điểm a, c khoản 1 Điều này, tổ chức niêm yết được xác định là đã khắc phục khi thực hiện công bố thông tin (nếu chưa công bố) và không vi phạm quy định về công bố thông tin trên thị trường chứng khoán tối thiểu trong 6 tháng liên tục kể từ ngày ra quyết định bị đình chỉ giao dịch hoặc kể từ ngày SGDCK xác định tổ chức niêm yết có vi phạm công bố thông tin gần nhất.”.

Ngân hàng lại chấp nhận mua euro rẻ hơn USD

Trong khi giá mua USD tại các ngân hàng đã vượt 23.300 đồng/USD, giá mua euro lại giảm sâu dưới 23.000 đồng/EUR. Chênh lệch giá bán giữa hai đồng ngoại tệ này cũng đã được thu hẹp.

Sức mạnh đồng USD vẫn duy trì ở mức cao nhất trong hơn hai thập niên đang khiến tỷ giá quy đổi giữa các đồng ngoại tệ khác so với đồng bạc xanh xuống thấp. Trong đó, tỷ giá quy đổi euro sang USD vẫn đang trong xu hướng giảm sâu.

Hiện tại, 1 euro chỉ đổi được khoảng 0,994 USD, thấp hơn 0,25% so với phiên liền trước và giảm gần 2,3% trong một tuần qua.

Việc tỷ giá quy đổi EUR/USD liên tục lao dốc cũng tác động mạnh đến thị trường ngoại tệ trong nước. Trong bối cảnh xu hướng mất giá của Đồng Việt Nam thấp hơn euro so với USD, giá mua - bán đồng bạc xanh đã tăng mạnh trên hầu hết kênh giao dịch trong nước. Ngược lại, giá giao dịch đồng tiền chung châu Âu lại lao dốc nhanh.

Đáng chú ý, diễn biến trái chiều của hai đồng ngoại tệ này trên kênh ngân hàng không chỉ thu hẹp chênh lệch giá bán mà còn khiến giá mua vào euro một lần nữa thấp hơn so với USD.

Cụ thể, Vietcombank hôm nay chấp nhận mua vào đồng bạc xanh ở mức 23.320 đồng/USD và bán ra ở 23.600 đồng/USD, tăng 30 đồng so với cuối ngày hôm qua. Trong khi đó, giá mua euro tại nhà băng này hiện chỉ ở mức 22.975,27 đồng/EUR và bán ra ở 24.019,17 đồng/EUR.

Như vậy, trong khi giá bán euro vẫn cao hơn 419,17 đồng/đơn vị so với USD, giá mua vào ngoại tệ này đã rẻ hơn 344,73 đồng.

Diễn biến tương tự cũng ghi nhận tại VietinBank ghi nhà băng này niêm yết giá giao dịch đồng tiền chung châu Âu ở mức 22.967 - 24.077 đồng/EUR (mua vào - bán ra), trong khi giá giao dịch đồng bạc xanh ở mức 23.340 - 23.620 đồng/USD.

Tại BIDV, nhà băng này cũng chấp nhận mua vào 1 USD với giá 23.320 đồng, nhưng chỉ chấp nhận mua 1 euro ở mức 22.967 đồng.

Không chỉ nhóm ngân hàng thương mại quốc doanh, giá mua euro tại các ngân hàng thương mại tư nhân cũng đã xuống thấp hơn USD.

Trong đó, HDBank hiện niêm yết giá giao dịch USD ở mức 23.360 - 23.580 đồng/USD (mua vào - bán ra), nhưng giá giao dịch euro chỉ ở mức 23.079 - 23.637 đồng/EUR; Techcombank hiện chấp nhận mua vào USD ở 23.330 đồng và mua euro với 23.061 đồng; Eximbank niêm yết giá mua 23.370 đồng/USD và 23.146 đồng/EUR…

Thực tế, xu hướng chấp nhận mua euro rẻ hơn USD đã được các ngân hàng áp dụng từ cuối tuần trước, cùng thời điểm sức mạnh đồng USD tăng vọt trên thị trường quốc tế và đẩy tỷ giá quy đổi EUR/USD xuống dưới 1 điểm.

Trước đó, các ngân hàng cũng từng chấp nhận mua vào euro rẻ hơn USD hồi trung tuần tháng 7, khi tỷ giá quy đổi hai đồng ngoại tệ này rơi xuống dưới mức 1 điểm tương tự. Tuy nhiên, sau khi sức mạnh đồng USD hạ nhiệt, tỷ giá quy đổi EUR/USD đã phục hồi trở lại vùng 1,02 điểm trong hơn một tháng, trước khi giảm mạnh trong một tuần vừa qua.

Việc các ngân hàng giảm giá mua vào euro thấp hơn USD cũng cho thấy đồng tiền chung châu Âu không chỉ mất giá so với USD mà còn mất giá so với chính Đồng Việt Nam.

Trên thị trường quốc tế, tỷ giá quy đổi EUR/VNĐ đã duy trì xu hướng giảm liên tục từ tháng 5/2021 đến nay và đang giao dịch ở mức thấp nhất kể từ tháng 3/2015. Hiện một euro chỉ quy đổi tương đương 23.282 đồng Việt Nam, theo tỷ giá quy đổi trên sàn IDC.

Tính từ tháng 5/2021 đến nay, tỷ giá euro so với tiền Đồng đã giảm tới 17,3%. Còn nếu tính từ đầu năm 2022, mức giảm cũng là gần 10%.

Hà Lan

Bạn đang đọc bài viết Cập nhật tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất ngày 24/8. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

ĐHĐCĐ 2024 Tập đoàn GELEX diễn ra thành công
Sáng 28/3/2024, Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2024 của Công ty cổ phần Tập đoàn GELEX đã diễn ra tại Hà Nội. Với sự đồng thuận và nhất trí cao, Đại hội đã thông qua toàn bộ các báo cáo, tờ trình và nhiều nội dung quan trọng khác.