Thứ năm, 28/03/2024 23:48 (GMT+7)
Chủ nhật, 03/05/2020 11:35 (GMT+7)

Cần minh bạch hóa việc mua sắm thiết bị phòng, chống dịch

Theo dõi KTMT trên

Vụ việc một số cá nhân tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội 'bắt tay' doanh nghiệp trục lợi thông qua gói thầu mua sắm vật tư, trang thiết bị y tế phục vụ phòng, chống dịch Covid-19 có giá cao, chênh lệch nhau cả tỉ đồng bị phát hiện mới đây đã làm 'lộ sáng' nhiều dấu hiệu thiếu minh bạch trong sử dụng ngân sách nhà nước mua sắm thiết bị phòng, chống dịch.

Cần minh bạch hóa việc mua sắm thiết bị phòng, chống dịch - Ảnh 1
Thực hiện xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng kỹ thuật Realtime PCR. (Ảnh: Thúy Anh)

Từ chênh lệch giá

Trong vụ việc tại CDC Hà Nội, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã xác định hệ thống Realtime PCR tự động được các doanh nghiệp (DN) nhập khẩu, phân phối mua bán lòng vòng nhằm “thổi giá” hưởng chênh lệch. Cùng với lệnh khởi tố, bắt tạm giam một số lãnh đạo, nhân viên CDC Hà Nội, cơ quan công an còn bắt Nguyễn Trần Duy, Tổng giám đốc Công ty CP định giá và bán đấu giá tài sản Nhân Thành, vì đã thông đồng để nâng giá một hệ thống Realtime PCR từ 2,3 tỉ đồng lên gần 7 tỉ đồng.

Một trong các bị can của vụ này là nhân viên của Công ty TNHH thiết bị y tế Phương Ðông. Theo tìm hiểu, dù không phải là tên tuổi lớn trong lĩnh vực thiết bị y tế, nhưng Công ty Phương Ðông đã trúng khá nhiều gói thầu, không chỉ ở Hà Nội. Cụ thể, từ tháng 1/2020, công ty bắt đầu lắp đặt và triển khai hệ thống xét nghiệm Covid-19 cho nhiều bệnh viện lớn trên cả nước như Bệnh viện Nhi T.Ư, Bệnh viện Phổi T.Ư, CDC Quảng Ninh, Bắc Giang... Ðây cũng chính là công ty cho Hải Phòng “mượn” máy Realtime PCR. Một số tỉnh, thành phố như Thái Bình, Hà Nội, Quảng Ninh, Ninh Bình, Quảng Nam... mua toàn bộ hệ thống, với giá phổ biến từ 5,9-8,4 tỉ đồng trước khi đàm phán giá lại.

Ðáng nói nữa là, ngay sau khi vụ việc ở CDC Hà Nội bị khởi tố, một loạt địa phương lập tức rút lại đề xuất mua máy, hoặc thông báo tỉnh chỉ mượn loại máy này của DN. Bộ Y tế đang rà soát các hợp đồng mua thiết bị xét nghiệm, đặc biệt những hợp đồng trong hai năm qua nhằm tìm ra những bất thường về giá trong việc mua bán thiết bị. Bộ này cũng đã có công văn gửi các đơn vị trực thuộc và Sở Y tế các tỉnh, thành phố, y tế các bộ, ngành và một số bệnh viện tư nhân trong cả nước, đề nghị báo cáo kết quả mua sắm hệ thống máy Realtime PCR tự động phục vụ công tác xét nghiệm dịch Covid-19, dù mua bằng nguồn tiền nào, cũng cần báo cáo.

Theo Thứ trưởng Y tế Nguyễn Trường Sơn, hầu hết các địa phương đã có báo cáo việc mua sắm về Bộ Y tế, trong đó có 15 đơn vị thuộc Bộ Y tế và các tỉnh có mua sắm máy xét nghiệm Realtime PCR. Các máy xét nghiệm có các thương hiệu khác nhau, do các công ty cung cấp khác nhau. Nhưng các địa phương hầu như chỉ mua các máy riêng và mua của các hãng khác nhau, không mua toàn bộ hệ thống như CDC Hà Nội đã mua của Công ty Phương Ðông. “Theo thống kê sơ bộ, máy của Phương Ðông cung cấp đều có giá cao hơn so với công ty khác cung cấp”, ông Sơn nói và cho hay Bộ Y tế sẽ tổng hợp, đánh giá mức độ tương tự về tính năng của máy xét nghiệm giữa các hãng sản xuất, được cung cấp bởi các công ty khác nhau, từ đó có các định giá cơ bản về máy xét nghiệm được các đơn vị mua sắm.

Dấu hỏi về chỉ định thầu

Một chuyên gia y tế cho biết, theo quy định của Luật Ðấu thầu và các nghị định liên quan, đơn vị công lập, địa phương sử dụng ngân sách nhà nước được chỉ định thầu trong các tình huống đặc biệt khẩn trương, cấp bách như đại dịch, thiên tai. Tuy nhiên, mức giá phải phù hợp với mặt bằng chung trên thị trường, không thể có chuyện cũng một sản phẩm ở hai nơi có mức giá quá khác nhau; hoặc mức giá cao gấp nhiều lần. “Vấn đề ở đây chính là khâu tổ chức chỉ định thầu, việc chỉ định thầu không phải là việc mua bằng bất kỳ giá nào. Nếu minh bạch thì phải đưa sản phẩm cần mua, các đơn vị bán sẽ báo giá và chủ đầu tư lựa chọn mức giá tốt nhất, chứ không phải ưu ái, lựa chọn cho DN mình muốn”, vị chuyên gia nói.

Từ vụ việc tại CDC Hà Nội nhiều ý kiến cho rằng, không đơn thuần chỉ là vi phạm các quy định về đấu thầu. Bởi vậy, cần phải làm rõ có hay không hành vi tham nhũng, cố tình móc ngoặc nhằm “rút ruột” ngân sách nhà nước cần loại trừ và xử lý nghiêm khắc nhất là dịch bệnh vẫn còn những diễn biến phức tạp. Cơ quan chức năng sớm rà soát lại toàn bộ hoạt động đấu thầu, nếu có sai phạm, có hành vi trục lợi bất chính thì tùy từng trường hợp cần có phương án xử lý theo quy định của pháp luật.

Ngoài ra hình thức lập hợp đồng phụ để “mượn” máy móc của DN dưới góc độ pháp luật dân sự việc thỏa thuận là hoàn toàn tự nguyện giữa các bên mà pháp luật không cấm. Tuy nhiên, ở một góc độ khác, nhiều khả năng loại hợp đồng đó về bản chất không phải là hợp đồng dân sự thuần túy mà có khả năng đó chính là hợp đồng giả cách để che đậy. Cơ quan cảnh sát điều tra cần vào cuộc nhanh chóng làm rõ, nếu có sai phạm phải xử lý nghiêm khắc.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa có ý kiến chỉ đạo Bộ Y tế, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư khẩn trương rà soát, chấn chỉnh, thẩm định lại và thanh tra việc thực hiện các gói thầu mua sắm trang thiết bị y tế, vật tư tiêu hao, thuốc chữa bệnh… phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19, nhất là các gói thầu mua sắm hệ thống máy xét nghiệm sinh hóa, máy thở, khẩu trang y tế, hóa chất vật tư tiêu hao. Nếu có dấu hiệu vi phạm pháp luật, chuyển hồ sơ, tài liệu cho cơ quan điều tra để làm rõ, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Dương Lê

Bạn đang đọc bài viết Cần minh bạch hóa việc mua sắm thiết bị phòng, chống dịch. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

ĐHĐCĐ 2024 Tập đoàn GELEX diễn ra thành công
Sáng 28/3/2024, Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2024 của Công ty cổ phần Tập đoàn GELEX đã diễn ra tại Hà Nội. Với sự đồng thuận và nhất trí cao, Đại hội đã thông qua toàn bộ các báo cáo, tờ trình và nhiều nội dung quan trọng khác.