Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường: Tuyệt đối không để người dân đói, rét sau bão
Sáng 11/10, Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai đã họp khẩn cấp chỉ đạo triển khai các phương án ứng phó bão số 6 và mưa lũ tại các tỉnh miền Trung.
Sáng sớm nay (11/10), áp thấp nhiệt đới đã mạnh lên thành bão, cơn bão số 6 trên Biển Đông năm 2020 và có tên quốc tế là Linfa. Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai đã họp khẩn cấp chỉ đạo triển khai các phương án ứng phó bão số 6 và mưa lũ tại các tỉnh miền Trung.
Theo báo Nông nghiệp Việt Nam, phát biểu tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ NN - PTNT Nguyễn Xuân Cường chỉ đạo: "Cần triển khai ngay phương án ứng phó với bão và hoàn lưu bão số 6; tập trung công tác cứu trợ, tuyệt đối không để người dân bị đói, rét; tăng cường công tác hướng dẫn người dân đi qua các khu vực ngập sâu, chảy xiết; rà soát, triển khai phương án bảo đảm an toàn cho người dân tại các khu vực có nguy cơ xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất…"
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đề nghị, các tỉnh, thành phố khu vực miền Trung tiếp tục chủ động trong công tác ứng phó với mưa lũ. Phối hợp với các bộ, ngành, đơn vị liên quan trong việc cứu trợ, cứu nạn, xử lý các sự cố do mưa lũ gây ra đặc biệt là các sự cố về tàu vận tải trên biển.
“Các tỉnh, thành phố khu vực miền Trung chỉ đạo việc tăng cường lực lượng, phương tiện tại các khu vực nguy hiểm. Tuyên truyền, nhắc nhở người dân không đến gần hoặc đi qua, thậm chí phải di dời khỏi những khu vực trên. Thực hiện tốt các công tác vận hành liên hồ chứa theo quy định đảm bảo an toàn công trình và hạ du”, Bộ trưởng Cường cho hay.
Cùng với đó, trên hệ thống giao thông đường bộ, đường không, đường thuỷ... các đơn vị chức năng cần có sự quản lý, kiểm soát tốt công tác đảm bảo an toàn về người và phương tiện, thường xuyên chỉ đạo, nhắc nhở các cơ quan quản lý cảng sông, cảng biển, chủ quản lý các phương tiện tàu, chủ tàu... làm tốt công tác đảm bảo an toàn cho tàu và ngư dân đặc biệt đối với các tàu vận tải, tàu vãng lai, tàu nhỏ tại các cảng như Quy Nhơn, cửa sông Ranh...
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường lưu ý, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai phối hợp với Văn phòng Ủy ban quốc gia Ứng phó với sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn và các cơ quan liên quan rà soát lại các phương án trong công tác phòng chống thiên tai (nguồn nhân lực, phương tiện...), trên cơ sở đó hoàn thiện kế hoạch sớm trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cho ý kiến bổ sung về nguồn lực, phương tiện, trang thiết bị... phục vụ hiệu quả hơn cho công tác phòng chống thiên tai. Bên cạnh đó, ngành trồng trọt cần kiểm tra, đánh giá những vấn đề liên quan đến lĩnh vực mình quản lý để có sự hỗ trợ cho vụ Đông Xuân sắp tới.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhắc nhở các bộ, ngành, địa phương căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ thực hiện tốt công tác ứng phó và khắc phục hậu quả bão, mưa lũ, đặc biệt là các tỉnh, thành phố khu vực miền Trung, Bộ trưởng yêu cầu các cơ quan báo chí, truyền thông tiếp tục tăng cường công tác thông tin phục vụ công tác phòng chống thiên tai, giảm thiệt hại.
Theo bản tin phát đi mới nhất từ Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia, vào 10h sáng nay (11/10), bão số 6 đã đi vào đất liền các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới.
Do ảnh hưởng của bão số 6, đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) đã quan trắc được gió cấp 8, giật cấp 9. Vùng ven biển các tỉnh Quảng Nam - Quảng Ngãi có gió giật cấp 6-7. Các tỉnh Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi đã có mưa rất to, lượng mưa từ 100-300mm.
Dự báo trong 12 giờ tới, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 25km, đi sâu vào đất liền và suy yếu dần thành một vùng áp thấp trên khu vực Nam Lào.
Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới suy yếu từ bão số 6, trưa nay trên đất liền các tỉnh/thành từ Đà Nẵng đến Bình Định còn có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 9. Thừa Thiên Huế, Quảng Trị có gió giật mạnh cấp 6-7.
Do ảnh hưởng của dải hội tụ nhiệt đới đi qua Trung Trung Bộ nối với cơn bão số 6 sau suy yếu thành vùng áp thấp, kết hợp với hoạt động của không khí lạnh, nên từ nay đến ngày 13/10 ở các tỉnh Trung Trung Bộ và Nam Trung Bộ có mưa rất to, có nơi đặc biệt to với tổng lượng mưa phổ biến ở các tỉnh từ Thừa Thiên Huế đến Quảng Nam từ 400-600mm, có nơi trên 600mm. Các tỉnh Quảng Trị, Quảng Ngãi từ 300-500mm. Các tỉnh Quảng Bình, Bình Định, Phú Yên từ 200-400mm. Ở nam Hà Tĩnh và khu vực bắc Tây Nguyên từ 200-300mm.
Dự báo trong đêm nay và sáng mai, lũ trên các sông từ Quảng Bình đến Quảng Nam sẽ lên lại, các sông ở Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Gia Lai, Kon Tum sẽ lên. Trong đợt lũ này, đỉnh lũ trên các sông từ Thừa Thiên Huế đến Quảng Ngãi phổ biến ở mức trên BĐ3. Các sông ở Quảng Bình, Quảng Trị, Bình Định, Phú Yên và Gia Lai Kon Tum ở mức BĐ2-BĐ3.
Theo dự báo, tình trạng ngập lụt sâu, diện rộng ở vùng trũng thấp, các khu đô thị tại các tỉnh từ Quảng Bình đến Quảng Nam vẫn tiếp tục diễn ra và khả năng kéo dài trong những ngày tới.
Tại Quảng Bình, ngập lụt nghiêm trọng nhất ở huyện Minh Hóa, Tuyên Hóa, Lệ Thủy, Quảng Ninh. Tỉnh Quảng Trị ngập nặng nhất tại huyện Vĩnh Linh, Gio Linh, Cam Lộ, TP.Đông Hà, Triệu Phong, Hải Lăng, thị xã Quảng Trị. Tại Thừa Thiên Huế là huyện Phú Lộc, Phú Vang, Quảng Điền, Phong Điền, TP.Huế, thị xã Hương Thủy, Hương Trà. Tại Quảng Nam là huyện Đại Lộc, Điện Bàn, Duy Xuyên, Hội An, TP.Tam Kỳ. Tại Quảng Ngãi là các huyện Bình Sơn, Sơn Tịnh, Nghĩa Hành, Tư Nghĩa và TP.Quảng Ngãi.
Hà Linh