Thứ năm, 18/04/2024 19:40 (GMT+7)
Thứ hai, 22/04/2019 09:00 (GMT+7)

Chủ tịch PNJ nói gì về trách nhiệm liên quan tại Ngân hàng Đông Á?

Theo dõi KTMT trên

Trả lời chất vấn của cổ đông, bà Cao Thị Ngọc Dung, Chủ tịch HĐQT CTCP Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) khẳng định “PNJ không có bất cứ trách nhiệm gì trong vụ án Ngân hàng Đông Á”.

Chủ tịch PNJ nói gì về trách nhiệm liên quan tại Ngân hàng Đông Á? - Ảnh 1
PNJ không có bất cứ trách nhiệm gì trong vụ án DongABank

Ngày 20/4, PNJ tổ chức Đại hội cổ đông thường niên 2019 để thông qua kế hoạch kinh doanh năm nay, phương án chia cổ tức, tăng vốn điều lệ…

Đáng chú ý, cổ đông đã chất vấn lãnh đạo PNJ về trách nhiệm liên quan, ảnh hưởng thiệt hại nếu có tới PNJ trong vụ án sai phạm tại Ngân hàng TMCP Đông Á (DongABank) – nơi chồng bà Cao Thị Ngọc Dung – ông Trần Phương Bình đã bị khởi tố, xét xử năm qua.

Cuối năm 2018, toà án Nhân dân TP.HCM đã xét xử vụ án sai phạm tại DongABank có liên quan đến bị cáo Phan Văn Anh Vũ (tức Vũ “nhôm”), gây thiệt hại cho ngân hàng hơn 3.608 tỷ đồng. Bà Dung đã được mời với vai trò là người có quyền, nghĩa vụ liên quan, người làm chứng.

Theo bản án sơ thẩm, bị cáo Trần Phương Bình, nguyên Phó chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc DongABank được xác định có hành vi “lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản”, “cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”, chiếm đoạt của DongA Bank hơn 2.000 tỷ đồng và gây thiệt hại cho ngân hàng hơn 1.560 tỷ đồng.

Còn bị cáo Vũ “nhôm” có hành vi “lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản” trong việc ký chứng từ nộp khống 200 tỷ đồng để CTCP xây dựng Bắc Nam 79 mua cổ phần của DongA Bank, chiếm đoạt của ngân hàng 200 tỷ đồng và hơn 3 tỷ đồng tiền lãi.

Theo dự kiến, ngày hôm nay 22/4, toà án sẽ xử phiên phúc thẩm vụ án DongABank và kéo dài tới ngày 7/5/2019.

Trả lời chất vấn của cổ đông, bà Cao Thị Ngọc Dung cho biết, “đến giờ này, chúng tôi cũng đã nhận được kết luận của toà án. Theo đó, PNJ không có bất cứ một trách nhiệm gì trong vụ án này”. Trong 2 kỳ họp ĐCHĐ vừa qua, bà Cao Thị Ngọc Dung đã giải đáp thắc mắc của cổ đông về vụ án DongABank có quy trách nhiệm đối với chồng bà Dung, gây thiệt hại lớn cho ngân hàng. Bà Dung đã từng khẳng định PNJ không phải là “sân sau” của DongABank.

Tại đại hội, HĐQT đã trình cổ đông phương án phát hành thêm 55,6 triệu cổ phiếu thưởng, tỷ lệ thực hiện là 3:1 từ nguồn lợi nhuận chưa phân phối tính đến ngày 31/12/2018. Nhờ đó, sẽ nâng vốn điều lệ lên 2.226,7 tỷ đồng, tăng tương ứng hơn 33%.

Ngoài ra, PNJ có tờ trình phát hành hơn 2,2 triệu cổ phiếu thưởng cho cán bộ công nhân viên (ESOP). Ông Lê Trí Thông, Tổng giám đốc PNJ, cho biết trước đây PNJ phát hành ESOP 3% theo chu kỳ 3 năm. Nhưng từ năm 2018 trở đi, HĐQT sẽ chia nhỏ lượng cổ phiếu ESOP để phát hành hàng năm với tỉ lệ 1% để kịp thời ghi nhận thành tích, đóng góp của nhân viên…

Về chiến lược vươn ra nước ngoài, ông Thông cũng cho biết PNJ đã chuẩn bị cho chiến lược này nhưng đang lựa chọn những thị trường mà xác suất thành công cao.

PNJ cũng tính tới tăng “room” cho khối ngoại, nhưng hiện giờ chưa thể vượt mức 49%. Vì PNJ chịu cùng lúc hai ràng buộc là doanh nghiệp trong lĩnh vực bán lẻ và kinh doanh vàng bạc.

ĐHCĐ đã thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2019 với mục tiêu doanh thu tăng 25% lên 18.207 tỷ đồng; trong đó doanh thu trang sức bán lẻ tăng 29% lên 10.785 tỷ đồng. Lợi nhuận gộp mục tiêu cũng tăng 25%, lên 3.477 tỷ đồng, biên lợi nhuận gộp giữ nguyên ở mức 19,1%. Chi phí quản lý sẽ tăng 30%, trong khi chi phí bán hàng tăng 24%, chi phí lãi vay tăng 58%. Công ty đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế năm 2019 đạt 1.480 tỷ đồng, tăng 23% so với năm ngoái.

Trước đó, năm 2018, PNJ ghi nhận lợi nhuận 1.205,5 tỷ đồng, tăng 33% so với năm 2017 và vượt 9,6% kế hoạch.

Kim Anh

Bạn đang đọc bài viết Chủ tịch PNJ nói gì về trách nhiệm liên quan tại Ngân hàng Đông Á?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới